[Về Đam Mê – p3] Những cản trở truyền kiếp

Nhà thần học Alan Watts từng nói 1 câu: nếu bạn không tìm thấy thứ mình đam mê, là vì bạn đã có nó.

Rất nhiều người vẫn biết họ muốn làm gì nhưng đến cuối cùng, họ vẫn không làm nó. Bởi có quá nhiều nỗi lo vây quanh họ.

Nỗi lo về tiền.

Nỗi lo về tình.

Làm nghề này quá ít tiền, không đủ sống và nuôi gia đình.

Làm nghề kia không ổn định, không ai cặp kè hay chịu lập gia đình cùng.

Còn nghề nọ thì sao quá mông lung, xa vời quá đỗi cho tương lai?

Có lẽ, điểm chung của rất nhiều “đam mê” là nó vô định. Không ai dám chắc trước điều gì.

Và lẽ tất nhiên, có hàng tỷ lý do hợp lý để không làm một thứ vô định như vậy.

Ngược lại, có hàng triệu lý do để chọn một công việc ổn định, biết trước tương lai, sáng đi chiều về để mưu sinh, để sống và rồi cuối cùng, là để chết.

Cuộc đời thật đáng chán khi người ta cho rằng họ chỉ “lỡ” sinh ra trên đời. Và việc cần làm chỉ là tồn tại vật vờ đợi cho đến ngày xuống lỗ.

Họ kiếm tiền từ việc họ không thích, gánh lấy áp lực chỉ vì chén cơm. Họ tròng cho mình quá sớm trách nhiệm gia đình và rồi luẩn quẩn than thở như vĩ đại lắm là: “sống vì con cái”.

Tôi ước gì họ thấy cuộc đời họ nhảm shit đến chừng nào. Một đống shit được che đậy bởi 2 chữ trách nhiệm.

Rất nhiều người nhượng bộ với tình nhân của mình khi 2 bên bắt đầu có những tính toán xa hơn cho tương lai, cho việc lập gia đình. Họ nhượng bộ, bắt đầu làm mấy công việc kiếm cơm tẻ nhạt. Nhượng bộ để hoàn thành trách nhiệm và để có bên cạnh một người tình, hoặc hơn nữa, một (vài) đứa con.

Nhưng họ quên, so với một sự nghiệp, người tình còn vô định hơn nhiều. Khi tất cả mọi thứ quay lưng lại với họ, kể cả người tình thì điều còn lại duy nhất chính là một cái nghề mà họ yêu. Cái nghề cứu họ khỏi sự trống rỗng tuyệt đối vào thời khắc đó.

Những ai chấp nhận nhượng bộ chọn một nghề khác vì người tình thì hoặc là sẽ cay đắng khi bị bỏ rơi hoặc là sẽ nhục nhã vì không còn được đối phương kính trọng. Nhớ kỹ điều này, không ai kính trọng bạn bởi vì bạn bỏ mọi thứ để đi theo họ. Họ chỉ kính trọng bạn khi bạn kiên tâm với những điều bạn muốn, mà họ chỉ là một phần trong số đó.

Dù có gia đình hay chưa, thì mỗi người vẫn phải có một đời sống riêng. Nếu công việc mưu sinh, làm tròn bổn phận với gia đình không khiến bạn hứng thú dù chỉ một chút, cuộc đời bạn ngoài ra có vẻ như chẳng còn gì. Chồng/vợ hay dù là những đứa con, họ đều có cuộc sống, sở thích, công việc của riêng họ. Nếu đến cuối cùng, bạn không làm một cái nghề mà bạn thấy hứng thú, thì bạn sẽ ra sao trước sự cô độc đó?

Có lẽ, ngoài tình ra, thì chỉ còn tiền ảnh hưởng đến việc theo đuổi điều mà ta muốn làm. Đôi khi tình và tiền không tách biệt nhau, cho nên chúng ta thường bị dính chặt vào chúng. Nhưng một trong những tư duy phi lý trí nhất là ta cần làm một công việc 9-5 ổn định thì tốt cho mối quan hệ và cho tài chính cá nhân hơn là làm điều ta hứng thú. Không biết từ bao giờ, điều ta ít hứng thú hơn lại được cho là dễ đạt thành tựu hơn. Trong khi việc ta hứng thú thì lại mãi mãi không ngóc đầu lên được?

Có những ngộ nhận kì lạ trong tư duy thật quái đản, nhưng mọi người vẫn chấp nhận và sống với nó đời đời.

Tôi tin rằng vấn đề duy nhất thực sự tồn tại ngăn cản ta tới với việc mình muốn làm chính là nỗi sợ của sự khác biệt, nỗi sợ của cái mới lạ. Tìm một việc ổn định để đàn áp cái nỗi sợ mới lạ. Làm giống như mọi người để khỏi phải khác biệt, vì khác biệt lắm khi đồng nghĩa với đơn độc.

Cuộc đời này, người ta sợ thiếu tiền và thiếu tình. Họ sẵn sàng bán mình để làm sao có được 2 thứ đó. Nhưng họ quên rằng, hầu hết mọi người đều đối mặt với những lúc không có tiền mà cũng chẳng có tình. Điều duy nhất là một thú vui, một công việc yêu thích để trú ẩn. Đó mới là thứ mãi mãi bên cạnh họ.

Tiền và tình, là những thứ ngoài thân, mà những thứ đến từ phía ngoài, không bao giờ đem lại sự thỏa mãn chân thực.

Người ta sợ rằng họ sẽ không sống được nếu không có tình và tiền. Nhưng họ lại không biết rằng nếu chỉ làm mọi thứ để có tiền sống hay để được bố thí chút tình thương, thì tự từ trong gốc gác đời sống của họ, chỉ còn là một cõi lòng hoang tàn không tồn tại sự sống.

Tồn tại, đâu hẳn đã là sống.
Và nếu trước sau gì cũng chết, thì sao phải cực khổ kiếm tiền từ những điều mình không thích để kéo dài cuộc đời mình không muốn?

“Giấc mơ không kết thúc… bởi thậm chí dù tôi lý luận với mình rằng chuyện đó là bất khả thi, có điều gì đó trong tôi chỉ đơn giản là không chịu ngừng hoạt động.” – Robert H.Goddard

Đọc lại phần 1: [Về Đam Mê – p1] Lý do bạn sẽ không bao giờ tìm được nó
Đọc lại phần 2: [Về đam mê – p2] Bạn mê nó vì bạn giỏi nó
Tất cả bài về đam mê
foto: pixabay.com

Viết một bình luận