Có lẽ, một trong những từ ngữ bị lạm dụng nhiều nhất ngày nay chính là 2 chữ “đam mê”. Dù cho đó là ở Mỹ hay Việt Nam, vì đam mê đã trở thành cái mốt, cái trào lưu mà ai không nói tới có khi bị chê là quê mùa. Thật vậy, cụm từ “Follow your passion” đã bị dùng nhiều hơn gấp 9 lần trong các sách tiếng anh kể từ năm 1990. Nhưng thật kỳ lạ, càng được dùng thì khái niệm đam mê lại càng trở nên xa xỉ thay vì bình dân hơn. Nó gần ngay trước mắt mà tìm mãi không ra. Lẽ nào đây lại là một cú lừa trót lọt đầy ngoạn mục của chúng ta dành cho nhau?
Suốt nhiều năm, Phong là nạn nhân của lối suy nghĩ: bằng mọi cách phải TÌM ra đam mê. Lối tư duy mà khắp các mặt báo và từ miệng của rất nhiều người nổi tiếng cứ tùy tiện phát ngôn mỗi ngày. Đối với họ, đam mê phải là “The One” phải là thứ gì đó siêu đặc biệt, duy nhất, không thể có cái thứ 2 và phải dùng tới bí thuật nào đó mới có thể tìm ra nó.
Sự lầm lẫn trong cách truyền đạt (không biết vô tình hay cố ý) này của truyền thông đã tạo nên không biết là bao nhiêu tác động tiêu cực đến nhiều người.
Kiểu tư duy này khiến nhiều người đang làm thứ họ thích thú nhưng vẫn liên tục tự hỏi xem đây có phải là đam mê của mình không? Giống như đang sống yên ổn, thoải mái với một người nhưng cứ tự hỏi: mình có đang yêu người này không? Quả là một hoạt động vô lý của não bộ.
Nếu nói đam mê là thứ độc nhất thì cũng y hệt như cả đời ta chỉ yêu một người, chỉ có 1 người duy nhất hợp với ta. Phong không biết các bạn thì sao, nhưng bản thân mình cho rằng đây là cách tư duy độc hại đã khiến nhiều người sống u uất, đau khổ vì họ luôn từ chối mọi cánh cửa khác. Đó là tư duy thiếu thốn, tư duy này sẽ cản bước người ta khám phá thêm cuộc sống, trải nghiệm thêm nhiều cung bậc cảm xúc, khiến người ta chết ở tuổi 25 nhưng 75 tuổi mới được chôn.
Bạn nghĩ sao giữa 2 ý tưởng này:
- Đam mê là thứ độc nhất, không gì có thể thay thế. (fixed mindset)
- Đam mê được phát triển lên từ những thứ ta thấy hứng thú trong cuộc đời. Có thể có nhiều điều khiến ta thấy hứng thú. (growth mindset)
Chọn ý nào là quyền của bạn, nhưng hãy chọn kiểu tư duy ít cản bước bạn nhất. Hãy tìm những tư duy giúp bạn cởi mở và đón nhận nhiều tiềm năng hơn.

Gần 1 thập kỷ đi tìm đam mê của mình, Phong có thể nói với bạn rằng: nó sẽ không bao giờ đứng trước mặt bạn để la lên ‘ê, tao ở đây, đam mê của mầy nè, đến rước tao ngay và luôn đê!’. Thực tế là ngược lại, nó thì thầm, tận sâu xa trong vô thức, và có thể sẽ không bao giờ phát thành tiếng suốt cả đời bạn. Bạn chỉ biết bạn yêu nó khi bạn đã gắn bó với nó, vượt qua thăng trầm và mọi biến cố cùng nó. Bạn với nó đi với nhau đủ lâu để quen thuộc và hiểu rõ lẫn nhau. Quen đến mức nếu không được làm nó như một thói quen, bạn sẽ khó chịu lắm, bứt rứt lắm.
Việc này, giống như Steve Jobs đã nói, bạn chỉ thấy được bức tranh khi “nhìn lại” và kết nối tất cả các điểm.
Bức tranh đam mê cũng vậy, bạn sẽ không thể đứng ở vạch xuất phát và tuyên bố rằng ‘tôi đam mê thứ này’.
Thực ra, nói đến cùng, bạn không tìm thấy nó. Bạn tạo ra nó.
Đam mê thường là đống lửa to mà bắt đầu chỉ từ một mồi lửa.
Vậy mồi lửa đó là gì? Mồi lửa có thể là động lực mà cũng có thể là áp lực ban đầu của bạn (hoặc cả 2 cùng lúc).
- Động lực có thể chỉ đơn giản là được ai đó truyền cảm hứng, mấy công việc bạn cảm thấy có hứng thú muốn thử sức hoặc cảm thấy phù hợp với năng lực bản thân.
- Nói về áp lực, rất nhiều người từng phải làm bất kỳ thứ gì đó để mưu sinh, để tồn tại như ưu tiên số một, rồi sau đó bắt đầu thành công hơn, gặt hái được trái ngọt thì họ cùng dần yêu nó hồi nào không hay.
Vậy có rất nhiều khả năng để dẫn tới đam mê. Cũng như những cặp đôi yêu nhau không phải ai cũng đến với nhau cùng một cách.
Dù là cách nào đi nữa, thì cốt lõi nằm ở đây: thông qua làm việc và tiếp xúc, bạn đến gần với nó, thậm chí là bạn tạo nên mối quan hệ khắng khít với nó đến mức không muốn rời.
Tóm lại là thế này: bạn không đi lòng vòng tìm cho bằng được đam mê (bằng ánh nhìn dò xét và hời hợt của kẻ đứng ngoài lề), rồi phát hiện ra một cách thần kỳ là bạn hợp với nó và bắt đầu sự nghiệp từ đó.
Sự thật là: bạn sẽ làm việc chuyên tâm trước, và sau đó, sẽ dần nhận ra mình có yêu mến nó đủ nhiều hay không. Quá trình này không thể giản lược, bạn phải bước đi bởi chính mình, bằng đôi chân chứ không phải cặp mắt.
Xem Phần 2: Bạn mê nó vì bạn giỏi nó.
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023
“Nếu nói đam mê là thứ độc nhất thì cũng y hệt như cả đời ta chỉ yêu một người, chỉ có 1 người duy nhất hợp với ta. Phong không biết các bạn thì sao, nhưng bản thân mình cho rằng đây là cách tư duy độc hại đã khiến nhiều người sống u uất, đau khổ vì họ luôn từ chối mọi cánh cửa khác.”
Thực sự mình nghĩ đây là một trong những cách tư duy độc hại và bị nhồi sọ nhiều nhất của con người. Từ báo chí, tivi, sách vở, mạng xã hội hay những bộ phim độc hại.
Chúng ta có thể yêu không chỉ một người mà. Miễn là chừng nào chúng ta không làm hại đến cảm xúc của người khác, chúng ta yêu người đó chân thành, hết mình và làm những điều tốt nhất cho họ. Hoặc chúng ta cũng có thể yêu với nghĩa “yêu thương” nhiều người cùng lúc. Người ta đang bị hiểu chữ “yêu” quá hẹp, chỉ gói gọn trong tình yêu nam nữ mà quên đi những tình cảm yêu thương giữa người với người khác (humankindness). Nên nhiều khi họ yêu ai đó, họ yêu cầu người đó phải dành hết tình yêu cho họ và giảm xuống mức zero tình yêu dành cho người khác. Chỉ một cử chỉ, hành động hơi có chút yêu thương dành cho người khác giới thôi là có thể bị ghen. Mình thì khác, khi mình yêu ai đó thì mình sẽ quan sát cách người ấy đổi xử với người khác thế nào, liệu họ cũng có hành xử với người khác tốt không, hay sự tốt đó là chỉ đối với mình, với những người quan trọng đối với họ (lòng tốt có điều kiện). Ngược lại, mình cũng muốn cho người đó thấy rằng thứ tình yêu mình có trong người đó là một thứ tình yêu natural, có tính phổ quát. Tất nhiên là riêng với người đó thì mình sẽ yêu người đó hơn những người khác một chút chứ 😀
Oscar Wilde có nói một câu (mình chưa tìm được câu gốc tiếng Anh) hình như đại ý là “tận cùng của chung thủy là phản bội”. Mình thấy nó rất đúng nhưng mình lại rất khó diễn đạt được vì sao nó đúng (có lẽ do ngôn từ mình còn hạn chế). Mình nghĩ là cuộc sống và vạn vật xung quanh thì luôn thay đổi. Chúng ta cũng luôn thay đổi (tích cực hoặc tiêu cực) theo nó. Mình của năm 2021 là khác với mình của năm 2020 hay 2019. Mình không thể yêu cầu một người đã yêu mình ở năm 2019 nhất định phải yêu mình của năm 2020. Nhất là khi mình thay đổi theo hướng tệ đi và họ thì xịn lên cùng với có nhiều sự lựa chọn hơn xung quanh họ. Tại sao đang yêu một thằng của năm 2019 như thế lại đi yêu một thằng tệ hại hơn ở năm 2020. Đấy chẳng phải là phản bội thì là gì. Phản bội với chính họ, chính mình và cả với tự nhiên.
Về cái đam mê thì lúc đọc đến nửa bài, mình định comment là “đam mê không phải là thứ mình đi tìm, mà nó sẽ tự tìm đến với mình, nếu mình cố gắng và chịu bước đi đủ nhiều”, nhưng đọc tiếp xuống dưới thì thấy Phong đã viết ý đó rồi thành ra mới có mấy dòng comment lủng củng không liên quan lắm đến bài viết phía trên. Lão Tử có một câu là “thánh nhân không làm gì mà không gì là không làm (vô vi nhi vô bất vi)”, mình thấy áp dụng với trường hợp đam mê này có thể hiểu là: chúng ta không làm (tìm cho bằng được đam mê của mình), nhưng không có gì là không cố gắng, không có lối nào là không đi.
Cám ơn vị khách đặc biệt Sergio Dương đã lại ghé thăm và comment :D, lúc nào cũng vậy, bình luận rất dài, rất nhiều thông tin bổ ích!
Phải, Phong cũng thấy thế. Chúng ta ngày nay đã bị nhồi sọ quá nhiều, loại tình yêu rộng lớn với muôn loài, với nhiều chiều kích đã bị triệt tiêu. Bây giờ thứ tình cảm mà chúng ta biết khá nhỏ hẹp và đơn điệu, không gì hơn là tình yêu nam nữ.
Câu “tận cùng của chung thủy là phản bội” quá đỉnh. Đọc nghe mại mại với câu của Miyamoto Musashi trong quyển Ngũ Luân Thư, mình ko nhớ rõ nguyên văn, nhưng ý nó thế này: Nếu cứ đi vào sâu trong rừng, đi mãi, đi mãi thì ngươi sẽ ra tới bìa rừng. Có lẽ nó giống với ý nghĩa của Bát Quái, khi cực thịnh thì sẽ khởi suy, cực yêu sẽ là thù ghét, cực muốn hạnh phúc thì cực đau khổ và như Oscar Wilde – cực chung thủy thì thành ra phản bội. Thật lòng mình ấn tượng với cách giải thích của Dương về câu nói này: Rất lạ! Mới nghe lần đầu luôn @@
Mindset của Dương phải nói là cực kỳ ổn và cả những cái bạn trích dẫn nữa, đa số đều rất đáng chú ý! Phải nói là mình rất hân hạnh vì blog này có được những comment dài chất lượng như vậy ^_^