Thế giới ngày nay, đâu đâu cũng đầy ắp các thông tin, tri thức bổ béo. Có thể nói nếu muốn, mỗi người đều có thể mua chúng với giá rẻ mạt. Thế nhưng thực tế thì không như vậy, nếu tính ra tỉ lệ người giỏi và người giàu thì (khả năng cao) con số vẫn như cũ, vẫn như trước. Bởi thế có một tỉ phú mới nói: nếu gom tất cả của cải lại một chỗ và rồi lại phát đều cho mọi người thì chẳng mấy chốc số của cải đó sẽ quay về đúng vị trí như cũ. Tỉ lệ sẽ vẫn thế, vì “tinh thần” của mỗi người đều như cũ.
Hành động làm giàu không bằng tinh thần làm giàu. Vì cố gắng làm giàu 1 lần, thất bại có thể nghỉ luôn. Nhưng nếu có tinh thần làm giàu thì trước sau gì, lên bờ xuống ruộng bao nhiêu lần đi nữa, người ta cũng sẽ khá.
Đi học không bằng tinh thần học hỏi. Vì đi học xong, rời khỏi ghế nhà trường, có thể đốt luôn sách vì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, đã trả xong cái gánh nặng suốt bao nhiêu năm đằng đẵng. Cho nên ở nước ta, nhiều người học xong mà cứ xử sự như vô học. Học xong là không bao giờ đụng đến sách vở nữa. Vì họ không có “tinh thần”.
Có luật pháp không bằng có tinh thần pháp luật. Tinh thần pháp luật là thượng tôn luật pháp, chứ không phải chơi kiểu “luật rừng”. Luật soạn ra, chất đống, đi một nơi, vua quan và dân đi một kiểu.
Có tự lực cũng không bằng tinh thần tự lực. Vì nhiều khi người ta tự lực vì bắt buộc phải như vậy, vì không có ai giúp đỡ. Có thể vừa tự lực mà cũng vừa than thân trách phận rằng không có anh em, bà con, không có đồng chí đồng đội cũng nên. Nhưng với tinh thần tự lực thì những cái than thở đó chỉ trở thành việc trẻ con thôi.
Có tự do không bằng tinh thần tự do. Vì tự do, khi đã bị “đóng hộp” trong một khái niệm, định nghĩa nhất định thì nó đã chết, nó không còn sự linh động nữa. Tự do trong vật chất nhưng cũng cần tự do trong tinh thần. Mà tinh thần, thì cứ liên tục mắc kẹt ở những định kiến, u mê thì khó lòng mà tự do được. Vào lúc đó, nếu có tinh thần tự do thì tốt lắm, vì nó sẽ giúp bản thân mỗi người xem xét lại cái tự do mình đang thụ hưởng có đúng thực là tự do không?
Cho nên đa số người ta viết sách về tinh thần tự lực, tinh thần tự do, tinh thần pháp luật, tinh thần học tập… để mở mang cho người đọc chứ không có ai hướng dẫn trực tiếp phải học luật gì, phải đọc sách nào, phải làm gì để tự do cả. Nếu họ viết những điều cụ thể đến vậy thì họ sẽ dễ bị dính chấp, dễ bị thành kiến và chủ quan.
Sức học có thể còn yếu, kiến thức có thể là vô tận; luật pháp có thể còn chưa chặt chẽ; tự do có thể chưa hoàn toàn… nhưng nếu đặt chữ “tinh thần” phía trước mọi sự thì từ từ mọi việc sẽ hoàn thiện dần lên. Mỗi người sẽ uyên bác hơn, đôi chút; pháp luật sẽ chặt chẽ hơn và nhiều người sẽ tuân thủ hơn; tự do có thể mang nghĩa rộng hơn, thoát khỏi các khuôn mẫu nhỏ mọn; và người ta có thể tự lực mà không còn than thở thiếu người giúp đỡ nữa.
Tóm lại, “tinh thần” không có gì cao siêu cả, nó chỉ là một kiểu thái độ sống của một cá nhân hay của một tổ chức, một dân tộc. Thái độ cầu thị với sự tiến bộ, luôn muốn đi lên bằng sự tự nguyện, hứng khởi, vui vẻ chứ không phải bị ép buộc.
Để có dạng tinh thần này, ngoài việc có những tấm gương trước mặt thì người ta/con trẻ còn cần được khích lệ, ngợi khen. Vì đây là dạng tinh thần tự giác, nên tốt nhất là lấy cái đẹp mà làm cảm kích họ, gieo cho họ những hạt mầm xanh trong vô thức…
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023