Tiền không mua được gì? Tại sao tiền nhân của chúng ta luôn đề phòng mặt tối của đồng tiền? Họ sợ hãi và họ e dè nó, điều đó xuất hiện trong nhiều câu chuyện châm ngôn và văn học. Tuy nhiên, con người của thời hiện đại luôn cho rằng tiền nhân của chúng ta sai, cho rằng đó là tư duy bảo thủ cản bước tiến của xã hội. Cũng đúng thôi, dù tiền nhân của ta cũng sợ hãi đồng tiền khắp các câu chuyện văn học, nhưng ai cũng muốn và cũng cần có nó. Vậy thực sự nên dè chừng hay nên có thật nhiều nó?
Chủ nghĩa tư bản
Ngày trước, Phong rất dị ứng với chủ nghĩa tư bản vì bản thân luôn cảm thấy bị ngợp bởi phong cách tiêu thụ điên cuồng điển hình của họ, của phương Tây, luôn cảm thấy họ đã lấy của thiên nhiên quá nhiều. Do đó, Phong đã đi tìm hiểu và đọc thêm về sách kinh tế. Đọc về Sự Giàu Có Của Các Quốc gia – Adam Smith, ông tổ của tư bản. Rồi lại đọc Nền Kinh Tế Tăng Trưởng và Sụp Đổ như thế nào của cha con nhà Schiff. Một ít của quyển Thị Trường và Đạo Đức của Tom G.Palmer… Phong mới ngỡ ngàng phát hiện ra, à, thì ra mình không ghét chủ nghĩa tư bản, mình không ghét kinh tế thị trường mà mình ghét những biến tướng của nó. 3 quyển trên đều là sách hay nhưng tiếc là chẳng đưa đến cho Phong 1 câu trả lời nào để mãn nguyện, để xoa dịu những vướng mắc trong lòng mình.
Lần đầu thấy tiêu đề quyển: Tiền Không Mua Được Gì, Phong lại nghĩ thầm trong bụng: Tưởng gì! Chắc lại kiểu sách dạy đời và nói những điều cũ kỹ của một kẻ nghèo túng, bình dân nào đó. Vì sẽ rất hiếm, cũng như rất khó để kiếm ra một nhà kinh tế nào khác khởi đầu bằng một mệnh đề ngược ngạo như vậy. Hầu hết những nhà kinh tế hiện đại đều tự đóng khung mình trong hiểu biết về kinh tế mà bỏ quên đi những khía cạnh quan trọng khác. Nhưng thật là may mắn vì rốt cuộc Michael Sandel cũng làm chuyện đó, cũng bàn về những góc cạnh mà tiền không nên đụng tới.
Những giá trị thường nhật trong đời sống đang bị tiền gặm nhấm
Tiền là hiện thân của giá trị, của niềm tin, chẳng có gì sai với nó để chúng ta thành kiến. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, việc sở hữu nhiều tiền không chắc rằng một người đã tạo ra những giá trị chân chính và thiện lành. Tham nhũng, lừa đảo là thường thấy. Thế nhưng còn cả những hoạt động tinh vi hơn đang gặm nhấm xã hội được quyển sách này lôi ra mổ xẻ. Những điều mà hàng ngày chúng ta cảm thấy “bình thường như cân đường hộp sữa” lại bỗng chốc trở nên nóng hổi, đầy tính tranh cãi, khiến cho người đọc ngỡ ngàng. Rồi đến một đoạn nào đó, chúng ta sẽ tự hỏi: Không lẽ những hoạt động kiếm tiền thường nhật này lại âm thầm dẫn dắt xã hội vào con đường vô lối? Con đường đâm xuyên qua những lằn ranh của đạo đức, của niềm tin, của giá trị nhân văn…?
Bên dưới là vài đoạn trích dẫn ngắn của sách:
1. [Chúng ta đã quen và bị thuyết phục bởi nền kinh tế thị trường: thông qua giá, thị trường điều phối tài nguyên quý hiếm để phục vụ xã hội một cách tốt nhất…
…Nhưng, sâu thẳm trong lòng mình, chúng ta cũng tin rằng tiền không thể mua được tất cả mọi thứ: nó không mua được danh dự, không mua được sự sống và cái chết.
Nhưng đâu là ranh giới giữa những gì có thể mua được bằng tiền và những gì thì không. Chúng ta đã quen với việc những người mua vé máy bay có quyền lên máy bay trước mà không cần xếp hàng. Chúng ta cũng quen, tuy rằng cảm thấy khó chịu hơn, khi có người bỏ tiền để tranh giành cho được một chỗ trong trường tốt cho con mình đi học. Nhưng chúng ta rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền để chen hàng cho người nhà mình vào phòng mổ cấp cứu. Chúng ta cũng rất khó chấp nhận khi người ta bỏ tiền ra để mua bộ phận trên cơ thể người khác hầu cấy vào cơ thể mình.]
2. [Tại sao phải băn khoăn chuyện chúng ta đang trở thành một xã hội mà trong đó mọi thứ đều mua bán được?
Vì hai lý do. Thứ nhất là bất công, và thứ hai là tham nhũng. Hãy nói về bất công trước. Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người có càng ít của cải thì cuộc sống sẽ càng khó khăn. Tiền càng mua được nhiều thứ thì sự giàu có (hoặc nghèo đói) càng đáng quan tâm.
Nếu lợi thế duy nhất mà người giàu có được là họ có thể mua du thuyền, mua ô tô thể thao, hưởng những kỳ nghỉ tuyệt vời thì bất công bằng về thu nhập và tài sản không phải vấn đề quá lớn. Nhưng nếu tiền mua được ngày càng nhiều thứ – ảnh hưởng chính trị, y tế chất lượng tốt, nhà ở nơi an toàn chứ không phải nơi có nhiều tội phạm, trường học nổi tiếng – thì việc phân chia thu nhập và của cải càng quan trọng hơn. Nếu mọi điều tốt đẹp đều có thể mua bán được thì tiền sẽ tạo ra mọi sự khác biệt trên đời này.
…Khó mà nói tường tận ngọn ngành lý do thứ hai. Đây không phải vấn đề bất công/công bằng, mà là chuyện thị trường có xu hướng làm xói mòn cuộc sống. Khi những điều tốt đẹp trên đời bị định giá, chúng sẽ không còn tốt đẹp nữa.]
3. […từ chỗ có một nền kinh tế thị trường, chúng ta đã trượt sang trạng thái trở thành một XÃ HỘI THỊ TRƯỜNG.
Sự khác biệt là ở chỗ: Nền kinh tế thị trường là một công cụ đáng giá và hiệu quả, giúp chúng ta tổ chức được hoạt động sản xuất. Còn xã hội thị trường là một phương thức sống mà trong đó, các giá trị thị trường thâm nhập vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người.]
4. [Vì vậy, nói cho cùng, câu hỏi về thị trường chính là câu hỏi chúng ta muốn sống với nhau như thế nào. Chúng ta có muốn một xã hội mà cái gì cũng đem ra mua bán được hay không? Hay phải có những giá trị đạo đức, giá trị công dân mà thị trường không thể chạm đến và không thể mua được bằng tiền?]

Đọc quyển sách này khiến mình nhớ đến chuyện cưới vợ ở trung quốc ngày nay. Vì cả nước thiếu 30 triệu phụ nữ nên nhiều chàng trai chắc chắn ế nếu không đáp ứng được sính lễ – một gia tài rất lớn, thấp nhất từ $10.000. Ngoài ra còn cần có xe và nhà, công việc ổn định nữa. Áp lực vô cùng lớn này đang đè nặng lên vai đàn ông TQ.
“Đó là thị trường. Tôi được phép ra giá cho những trái lê của mình. Tại sao với con gái, tôi lại không được?” – ông Lương nói (1)
Hãy chú ý chữ: THỊ TRƯỜNG trong phát biểu của ông. Đây là một minh chứng hùng hồn mà tác giả muốn điểm tên. Rõ ràng, cưới hỏi đã trở thành một trò ra giá, và cô con gái trở thành một món đồ vật có thể định lượng được.
Sự bất công trong xã hội đến từ 1 câu nói
Tạm bỏ qua TQ vậy. Sau đó mình đọc 1 loạt bài về giới trẻ Nhật Bản và giới trẻ Hàn Quốc, mình cảm thấy có một sự đau đớn kinh khủng lắm trong tâm lý của họ. Áp lực kinh tế và kì vọng cha mẹ, định kiến đám đông cùng với sự bất ổn trong công việc đang bóp nghẹt xã hội của họ. Vô số người stress, vô số người tự tử, vô số người độc thân, vô số người tồn tại trong những căn phòng 6m2. Bởi vì đơn giản, nó xuất phát từ câu nói chúng ta hay bông đùa:
“Có tiền không chắc đã sướng nhưng không có tiền thì chắc chắn sẽ khổ.”
Câu nói này khiêu khích toàn xã hội phải tiến lên để chiến đấu vì tiền. Đứa nào giành được nhiều thì khả năng đứa đó sướng sẽ cao. Không, rất nhiều người không biết rằng trong câu nói đó hàm chứa một điều mà ít ai ngờ: SỰ BẤT CÔNG TRONG XÃ HỘI. Nhiều bao nhiêu là đủ? Hay càng nhiều càng tốt? Vô hạn? Không đáy?
Đọc quyển sách của Michael Sandel chúng ta sẽ thấy vì sao khi tiền càng ăn mòn vào những giá trị vô hình, phi thị trường thì đạo đức của toàn xã hội sẽ xuống cấp và sự bất công tăng cao. Khi bất công càng lớn thì người giàu không chỉ có lợi thế để hưởng các lợi ích “cộng thêm” mà còn chiếm lấy những quyền lợi “căn bản”: biên chế nhà nước, trường chuyên lớp chọn, lối đi riêng, ưu tiên chữa trị…
Giới nhà giàu sẽ luôn đủ, luôn có thể sử dụng dịch vụ dành riêng với đầy những ưu đãi. Trong khi người bình dân phải đợi chờ ròng rã hoặc bị đẩy vào những khu vực có điều kiện kém hơn.
DÒNG KẾT,
Chuyện trở mình từ nền kinh tế thị trường thành một XÃ HỘI THỊ TRƯỜNG khiến Phong nghĩ tới thôi cũng thấy ớn lạnh. Nhưng thế giới đâu vì ai sợ hãi mà dừng lại, vì đó là điều tất yếu mà con người suốt bao nhiêu ngàn năm đã trải qua… sự thao túng của đồng tiền.
Lòng mưu cầu vô hạn của con người có thể tạo ra nền kinh tế thị trường thì cũng có thể tự nó hủy hoại lấy nó khi đạt cực độ. Con người từ quá khứ đến giờ vẫn luôn cần tự điều chỉnh hành vi để tránh lầm đường lỡ bước hoặc giẫm lên những bánh xe đổ thì nền kinh tế cũng vậy, nó cần sự thống nhất của nhiều người để không đụng đến cái mà nó không nên đụng. Sự thống nhất mạnh nhất mà con người đang có, là luật pháp.
Nếu nhà nước không thể giảm bớt tình trạng bất công và sự lỏng lẽo của luật pháp, có lẽ con đường duy nhất người dân sẽ đi là thi nhau kiếm tiền. Đó là một xu hướng có thể hiểu được. Và kết cục thì chắc ai cũng đoán ra.
Điều cuối cùng là, một cá nhân thì cũng chẳng khác một nền kinh tế, khi mọi hoạt động, mọi hệ giá trị chỉ dành cho tiền tệ thì những giá trị vô hình (vốn tạo nên thực chất cuộc sống) bỗng tan biến…
– Lục Phong
(1) Tính sao cho vừa sính lễ
Xem thêm đánh giá sách khác của Phong ở đây
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023