Bữa nay, sau nhiều ngày không đọc báo thì mình lại vào lướt sơ để cập nhật tình hình xã hội. Xong, chẳng hiểu làm sao, mình lại dại dột bấm xuống đọc các bình luận.
(Lý do mình chọn ngừng đọc báo đã kể trong bài này)
Ôi là trời!
Chắc do thần kinh mình yếu. Chứ thấy người ta đọc báo hàng ngày rồi tranh cãi với nhau ỏm tỏi ở trển, đâu sao đâu?
Có những cái tên quen thuộc, kiến thức thì nửa chừng nhưng đấu rất quyết liệt, ngày này qua tháng nọ. Trộm nghĩ không biết cậu ta làm nghề gì để sống, sao rảnh dữ vậy?
Mình tự cảm thấy là mình không thể nào, không thể nào nuốt thêm được dù chỉ mới 5 phút và quyết định tắt rồi viết ngay bài này.
…
Để mình kể bạn nghe, rất nhiều năm trước, lúc mình 20 tuổi và bắt đầu cầm bút viết thường xuyên thì người mình ngưỡng mộ nhất chính là Voltaire, người được mệnh danh là thiên tài bút chiến.
Cái danh nghe kêu quá ha bạn, nhưng thời đó mình rất thích và còn bắt chước ông nữa. Mình hay tranh luận trên cộng đồng viết lách, trả lời các bình luận trên bài viết của mình, hay lý luận trong các cuộc trò chuyện để tìm tính đúng sai.
(tạm ngắt ngang đây, chúng ta sẽ quay lại cái kết ở cuối bài.)
Rõ ràng là tranh luận, mâu thuẫn dẫn tới tiến bộ. Triết học Marx đã nói như thế. Và mình cho rằng điều đó là đúng.
Vậy sao mình lại viết 1 bài để nói về chuyện ngừng tranh luận?! Câu chuyện có lẽ khá dài…
1. Tranh luận hay tranh cãi?
Tranh luận rất cần thiết để phát triển các ý tưởng. Nhưng có một điều cần lưu tâm, là không phải ai cũng bước vào cuộc tranh luận với mục đích mở mang đầu óc và để tìm một kết luận chung (hoặc riêng).
Nói cách khác, hầu hết không đến với cuộc tranh luận với 1 tinh thần cầu thị.
Một khi không dùng sự cầu thị để tìm sự thật mà chỉ muốn giành chiến thắng hay để thể hiện cái tôi thì người tranh luận có xu hướng dùng tất cả lý lẽ để chứng minh đối phương sai và các ý kiến của mình là đúng.
Thấy chướng tai, gai mắt, và thế là họ lao vào đưa ra ý kiến nhằm cải tạo đám đông, hoặc ít nhất là cải tạo tư duy đứa đối diện. (mà không biết rằng điều đó là gần như bất khả thi).
Ngay lúc này, họ sẽ vướng vào thiên kiến xác nhận (confirmation bias, một xu hướng tâm lý tìm kiếm tất cả những thông tin, bằng chứng khác để hợp lý hoá những gì họ tin từ trước là đúng – ngay cả khi chúng chủ quan).
Đa số người, tranh luận để thoả mãn cái tôi, để chiến thắng chứ không phải để tìm ra sự thật. Cảm xúc chi phối họ đến mức khiến đầu óc lùng bùng, khiến họ chỉ còn nghe những gì mình nói và những gì mình nghĩ, họ không còn nghe và cảm được đối phương đang nói gì.
Nếu đến nước này, đó trở thành một cuộc tranh cãi chứ không còn là tranh luận nữa.
2. Giới hạn kiến thức của người tranh luận
Mình luôn có cảm giác rằng, đa số người biết thì không nói mà người nói thì không biết. Vì sao vậy?!
Để mà nói rằng mình biết về điều gì thì thực tế là cái biết đó đòi hỏi tư duy tổng hợp và kiến thức liên đới nhau ở rất nhiều lĩnh vực.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy các chuyên gia chân chính rất ít khi đưa ra bình luận, nhưng một khi bình thì rất dài, vì nếu không sẽ dẫn tới những thông tin trích ngang, gây hiểu lầm nghiêm trọng.
Kinh tế, chính trị, giáo dục, triết học, quân sự, lịch sử, văn học, du lịch… Tất cả chúng không phải là những chủ đề cục bộ, rạch ròi.
Muốn hiểu toàn cảnh, đòi hỏi sự nghiên cứu và suy ngẫm thời gian dài trên nhiều lĩnh vực để thấy sự liên thông giữa chúng.
Người biết sẽ thấy nó quá rộng lớn để miêu tả trọn ý trong một bình luận.
Người biết sẽ không tự tin với kiến thức và cách tư duy của người đối diện. Điều này cực kỳ quan trọng, chúng ta không thể miêu tả một điều mà người đối diện không có sẵn nền tảng để tiếp thu.
Điều rõ ràng ở đây là: một vài dòng trích ngang trên mục bình luận, theo mình không được đánh giá là tranh luận. Bởi nó quá ngắn, quá cục bộ, quá nông cạn.
3. Tính chính xác của thông tin
Mình bị ảnh hưởng ít nhiều bởi thuyết âm mưu, và mình thấy rất nhiều lần nó dẫn mình tới những hoài nghi có lợi.
Làm sao bạn biết các thông tin trên bài báo là đúng?
Đúng theo nghĩa trọn vẹn, không cục bộ
Và,
Đúng theo nghĩa miêu tả thành thật sự việc!
Đó là một câu hỏi hệ trọng. Vì nếu tất cả chúng ta đang bình phẩm trên một thông tin sai hoặc một thông tin không có thật thì đó chính xác là một trò rỗi hơi.
Truyền thông ở Việt Nam, bao gồm báo chí đã có vô số lần tung tin thiếu sót, cắt ngang để gây hiểu lầm trong cộng đồng nhằm mục đích câu view. Hoặc chỉ đơn giản vì mục đích bí mật, họ chọn giấu nhẹm những thông tin “nhạy cảm”.
Mình sẽ chọn double-check (tìm hiểu lại tính chính xác của thông tin) trước khi khởi ý bình luận về vấn đề nào.
Thường thì khi kiểm tra xong, mình cũng chẳng còn thời gian và sức lực để tham gia các cuộc đấu trên không gian mạng.
4. Đám đông không bao giờ là đám đông minh triết
Mình không đưa ra khẳng định này để tôn bản thân lên, mà đây là kết luận của những triết gia vĩ đại nhất từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim.
Cụ thể nhất là trong quyển sách “Cách mạng Pháp và tâm lý học các cuộc cách mạng”. (Trang 36)

Đám đông không hề có ý chí riêng, nó bị dẫn dắt bởi những ai có tài tranh biện.
Những gì đám đông bàn tán không thể được dùng như một nguồn thông tin đáng tin cậy.
Đó là lý do mình từ chối tham gia vào đám đông, đám đông tranh cãi không hề có mục đích cụ thể, không giải quyết được vấn đề gì.
Dòng kết,
Sau rất nhiều tranh luận và tìm đúng sai, tất nhiên mình đã làm mất lòng nhiều người.
Khi sống lâu hơn, mình còn nhận ra: đời đôi khi không cần phải rạch ròi cái gì đúng, cái gì sai.
Vì đời không phải chỉ là toán lý hoá, nó còn có văn sử địa – những thứ không thuộc phạm trù lý tính.
Giành chiến thắng trên mục bình luận của báo, trên facebook, youtube, tiktok chả để làm gì cả. Vì thực tế là chả ai để cho mình thắng đâu. Mà mình cũng chẳng cần đợi ai phải thừa nhận mình thắng. Mình còn chờ đợi cộng đồng thừa nhận mình thắng thì mình mãi là nô lệ của đám đông.
Cuộc sống ngắn thế, còn quá nhiều việc hệ trọng hơn để làm. Đổ cả tấn thời gian vào những bình luận trôi nổi trên mạng, tranh nhau làm anh hùng bàn phím để mà làm gì đâu.
Mình đã không còn muốn làm vua bút chiến nữa. Phải thiệt sự cắt bỏ hết những cái hư danh ảo để dành dụm thời gian cho những việc có lý hơn. Cụ thể như việc viết ra bài này.
Mình vẫn còn xấu hổ vì những bài viết này chưa được công phu như ý mình muốn, nhưng dù sao thì cũng cụ thể hơn 1 bình luận ngắn ngủn trôi trên mạng.
– Lục Phong (copy xin đừng xoá dòng này).
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023