Khi năng lượng ‘tích cực’ không tích cực như bạn nghĩ.
Có thời, Phong đã cuồng thứ gọi là năng lượng tích cực đến nỗi… đầy tiêu cực. Hihi. Có lẽ, có gì đó sai sai ở đây thì phải. Đã tích cực rồi thì làm sao mà còn tiêu cực được nhỉ?!
Khi đọc được các nghiên cứu khoa học về tần số năng lượng, tất nhiên là mình đã bị thuyết phục hoàn toàn về những điều tốt đẹp mà nó mang lại. Thậm chí Phong còn làm một thí nghiệm cho riêng mình để chứng thực chúng. Cho nên, bạn hiền biết đấy, Phong hoàn toàn tin vào việc tỏa ra năng lượng tích cực là điều tốt đẹp.
(thí nghiệm bên trên: nói lời yêu thương, ghét bỏ và bỏ rơi với 3 hũ cơm đã nấu chín)
Tuy nhiên, hình như Phong đã không còn trẻ nữa, đã trải qua và gặp nhiều người để thấy rằng “tích cực” không phải lúc nào cũng tốt. Nó giống con dao 2 lưỡi nhiều hơn.
Nếu ta một mực muốn sự tích cực xuất hiện mọi lúc, muốn những người xung quanh cũng phát ra những thứ tích cực giống ta (luôn luôn) thì Phong đoan chắc trước hay sau gì chúng ta cũng gặp rắc rối. Rắc rối nghiêm trọng. Vì:
Thứ 1, người xung quanh không phải ai cũng sẽ tích cực theo ý ta đâu. Nếu ta nhồi sọ họ bằng tư duy tích cực, có khi họ còn nổi điên lên nữa (vì sự đối kháng giữa 2 loại năng lượng). Mọi sự đều phải tùy người, tùy hoàn cảnh mà áp dụng, không nên làm tràn lan. Vì không phải ai cũng trân trọng những giá trị và tiêu chuẩn giống như ta.
Thứ 2, đời sống khá phức tạp, lắm lúc nó khiến người ta mệt mỏi, chán nản và buồn phiền, khiến họ tụt mood và chỉ muốn nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng. Nếu ta muốn họ đầy tích cực (full energy) vào lúc đó, ta tự khiến mình kém cảm thông với hoàn cảnh của người khác (hoặc ngược lại). Năng lượng tích cực mà là kiểu kém cảm thông như thế, thì tốt nhất là xin “kiếu” còn hơn.
Trên là ta muốn ở đời, muốn thế giới xung quanh ai cũng tích cực. Vậy còn với ta thì sao?
Ta sẽ tiêu cực, vào một lúc nào đó, đặc biệt là lúc cạn năng lượng. Sự tích cực tiêu tốn rất nhiều năng lượng (hãy tưởng tượng nó như ngọn lửa luôn bùng cháy). Nếu tích cực là trời cao thì tiêu cực là vực thẳm hun hút. Càng đối lập, càng khao khát, tìm kiếm, đòi hỏi sự tích cực bao nhiêu thì độ cao càng lớn bấy nhiêu, nhìn xuống thôi cũng khiến ta sợ đến mất mật chứ đừng nói là té xuống cái hố sâu đó. Không ai có đủ khả năng để tích cực mà không tiêu cực cả, vì ngay từ đầu tâm ta vốn đã phân chia: cái này tốt, được; cái kia xấu, không nên. Một kiểu tâm thức nhị nguyên, trắng và đen.
Rất nhiều người đã mơ tới những khung cảnh đẹp như trong phim, những chuyện tình mỹ mãn, những khó khăn vừa đủ để mạnh mẽ vượt qua, một công việc đầy thử thách mà cũng rất thú vị… Nhưng không, cuộc sống chẳng giống thế. Đôi khi nó vùi dập lạnh lùng, lạnh như băng và tàn nhẫn đến mức chẳng ai muốn đứng lên cả. Và khi cuộc sống không còn là thiên đường như những người “tích cực” nghĩ, họ sẽ rơi tự do. Có một lúc, khi đã chứng kiến đủ nhiều hoàn cảnh như vậy, Phong đã nghĩ:

Từ đó trở đi, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ Phong quên được câu đó. Đôi mắt cứ hướng về thiên đàng, thì thực tế cuộc sống sát bên, người ta thường chỉ coi như cỏ rác. Càng nghĩ về thiên đàng thì họ lại càng đớn đau bởi thực tế. Càng nhìn về thiên đàng thì càng không biết trân quý thực tại, và do đó, chính thiên đàng, cái mác (xa xôi) mà một người vẽ nên mới chính là địa ngục, chính nó khiến cuộc sống khó khăn hơn trăm lần, chính nó khiến ta không còn gần gũi với đời sống. Cái thiên đàng đó mới là lạnh lùng…
Tích cực là trò chơi bập bênh, bên kia là tiêu cực. Chẳng có gì thú vị khi bập một bên rồi thôi! Ngay từ đầu tư duy tích cực, năng lượng tích cực đã là một cái bẫy rồi. Cái bẫy mà trước sau gì ta cũng giẫm phải.
Nếu không tin, bạn hiền có thể đi tìm những người tích cực nhất, bề ngoài mạnh mẽ nhất để quan sát. Cố gắng quan sát đủ lâu đến lúc họ cạn năng lượng, đủ sâu để thấy họ – thực ra rất yếu ớt, rất tiêu cực. Họ yếu ớt vì họ luôn tránh né tiêu cực, tránh né rắc rối, tránh né những cảm xúc không vui. Họ không còn năng lực đối mặt, ôm ấp lấy nỗi buồn, sự cô đơn và làm lành với nó nữa.
Riêng mình, Phong không có hứng thú với việc cố gắng tích cực hay bắt ai phải tích cực. Phong tích cực vì Phong tích cực, và lúc nào tiêu cực, Phong tiêu cực. Sao người ta không để mọi thứ như một bài nhạc nhỉ: nốt ngắn, nốt dài, nốt trầm, nốt bổng và tất nhiên, còn có những khoảng lặng nữa. Mọi người đều thích thưởng thức nhạc, tại sao không chậm rãi thưởng thức cung bậc của cuộc sống, ấp ôm cuộc sống một cách thân thương.
Tất nhiên Phong không hi vọng thế giới đầy rẫy sự thù ghét, căm phẫn, ganh tị, chán ngán, chúng ta vốn đã ngập ngụa trong chúng rồi. Ý Phong là, bạn biết đấy, chúng ta không cần phải “gồng”. Hãy thả lỏng thôi…
Tốt đến mấy, năng lượng tích cực vẫn là kết quả của tư duy nhị nguyên: đúng-sai, tốt-xấu, đen-trắng, phải-trái, được-mất… Tư duy kiểu kết quả, tư duy so sánh – mà còn so sánh thì còn khổ dữ lắm. Với Phong, nó vẫn thua năng lượng bình thản, năng lượng yêu thương một bậc.
- Lục Phong
Ảnh: Alexas_fotos
Thiết nghĩ, bạn bao nhiêu tuổi ấy nhỉ ? Mình thích kiểu thoát ra khỏi vấn đề để nhìn ngắm và suy ngẫm của bạn í. Nó sẽ làm sáng tỏ và trong suốt mọi quan niệm và cuối cùng thì mình sống theo sự lựa chọn của bản thân. Trở thành người mình muốn trở thành với tâm ý nhẹ nhàng.
Cám ơn Thư rất nhiều vì đã khen ngợi. Ôi, những bài như thế này mà nhận được comment thì lạ lẫm lắm ấy.
Tuổi tác của Phong sau bao năm hành tẩu vẫn luôn là 1 bí mật 🤭
mình rất đồng tình
Cảm ơn Thảo rất nhiều!
Chúc bạn tháng mới thật nhiều niềm vuôi!