Tôi từng sống và từng ghét bỏ loài người. Suốt nhiều năm tôi chán ngán vì nhiều tội ác mà con người gây ra cho nhau, gây ra cho muôn loài và cho trái đất. Tôi không ưa họ vì họ luôn nghĩ cho mình. Tôi không ưa họ vì họ luôn muốn có quá nhiều thứ. Tôi cũng không ưa vì khi có quá nhiều người giành giật thì sẽ luôn còn lại những nạn nhân, những cá nhân thua cuộc. Tôi thấy kinh khủng vì mọi thứ đẹp đẽ đang bị con người hủy diệt và lãng quên.
Từ những sự ghét bỏ, có lúc, tôi đã bắt đầu nghĩ đến điều lớn lao hơn: tại sao thượng đế lại tạo nên thế gian đầy sai trái như vậy? Ngài có trong mình thứ gọi là “đạo đức” không?!
Tại sao thượng đế lại đặt con người vào vị thế mà theo như thần thoại Hy Lạp, cả thảy nhân loại chỉ đang sống trong hậu quả của vụ tai nạn từ: chiếc hộp Pandora. Nơi mà đầy rẫy thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… trong khi chỉ còn giữ lại chút ít hi vọng.
Con người từ khi được khai sinh đã bị chi phối hỗn hợp bởi thể chất, bởi bản năng, bởi gia cảnh, bởi các mối quan hệ, bởi nhân duyên. Họ luôn sợ rất nhiều điều và cũng luôn cần mưu cầu rất nhiều thứ để có một đời sống tốt đẹp. Nhưng thường thì họ chẳng có được hạnh phúc vẹn toàn. Nếu họ lo về vật chất thì họ ít khi thấy vui trong tinh thần, nhưng nếu họ quá đói nghèo thì chính họ lại thường trở thành kẻ bé mọn, bần tiện. Nếu họ quá thích và làm điều gì để thỏa mãn bản thân quá nhiều thì họ ngay lập tức gánh một tác hại tất yếu nào đó. Nhưng nếu họ không có điều kiện để làm thứ họ thích thì cuộc sống đó lại trở nên vô nghĩa quá chừng. Tính ra con người không được làm cái gì thái quá mà cũng không thể không làm gì. Việc khó khăn nằm ở chỗ, nếu không đủ tri thức và trí tuệ thì họ chẳng biết thế nào là vừa đủ. Mà để có tri thức và trí tuệ thì họ buộc phải học. Chuyện là không phải ai cũng có thể học (vì hoàn cảnh), và không phải ai cũng được dạy đúng cách. Ngoài học, họ còn cần phải (thực hành) tu thân để giữ cho hành động được trung dung, không phiến diện, không cực đoan. Trên con đường để học cách sống đúng, họ còn bị mê hoặc bởi cám dỗ, còn bị chi phối bởi sự vận hành của các hoóc môn sinh học trong cơ thể, còn bị ảnh hưởng bởi sức khỏe thể chất…
Về cơ bản, rõ ràng là để con người sống đúng không hề là chuyện dễ. Họ bị đặt trong một loạt các yếu tố chi phối đan xen quá phức tạp. Nếu bài toán 3 vật thể đã khiến con quỷ toán học như Henri Poincare đau đầu nhức óc thì đời sống con người còn bị chi phối bởi nhiều thứ còn vượt xa “3 vật thể”. Để sống tốt và đúng đắn, con người cần phải tìm ra nghiệm của một hệ gồm nhiều ẩn số hơn hẳn x, y và z. Khả năng cao là chúng có vô số nghiệm hoặc vô nghiệm. Tức là vô số cách sống hoặc chẳng có cách sống nào gọi là đúng.
Khi tôi nhìn nhận ra hoàn cảnh bị bủa vây bởi quá nhiều giá trị và tiêu chuẩn của con người, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Tôi tự vấn chính mình và hiểu ra bản thân quá khắt khe. Tôi tự thấy mình không toàn vẹn cũng như tất cả mọi người ngoài kia. Tôi hiểu và bớt dần sự ghét bỏ loài người. Nhưng tôi vẫn muốn biết: thượng đế đang làm cái quái gì? Đạo đức của ngài ở đâu khi tạo ra thế gian như vậy?
Rồi lúc kia, tôi đọc được đoạn bình này về “Đạo” của Lão Tử:
“Trời đất đối với vạn vật chí công vô tư, không hề có sự thiên tư, thiên vị. Vạn vật trong trời đất này đều được chi phối bằng những định luật vĩnh cửu, chính vì vậy mới trường tồn. Mùa xuân vạn vật sinh sôi, hoa cỏ đua tươi, khí hậu đầm ấm, lúc ấy không phải là trời đất có lòng thương hơn; mùa đông khi sương sa tuyết phủ, lá rụng hoa rơi, mưa phùn gió bấc, lúc ấy không phải là trời đất mang dạ oán hờn, mà chính là vì chu kỳ biến dịch đã tạo nên những hình thái như vậy.
Trời đất cưu mang, sinh trưởng, che chở vạn vật như vậy, không phải bằng lòng nhân tầm thường của nhân thế, mà bằng một lòng nhân siêu việt”. (1)
Khi tôi đọc đến đây, tôi ngỡ ra thứ đạo đức mà tôi hằng nghĩ tới không hề giống của ngài. Đạo đức của tôi và Siêu Đạo Đức của ngài rất khác nhau. Tôi cần một vẻ đẹp cứng nhắc, ngài thì không. Tôi lo lắng về tương lai, ngài thì không. Tôi trầm ngâm về sống và chết, ngài thì không. Vì ngài tạo ra tôi và muôn vật cũng như chính ngài đưa “từng đứa một”… xuống mồ. Ngài sống trong tôi và khiến tôi vui, cũng có lúc ngài đánh đố tôi và làm tôi buồn. Rất nhiều khi ngài tặng cho những người nghèo khó sự tài ba, trong khi những người giàu có chỉ sống trong vòng lặp vô vị. Sự khốn cùng có thể bóp chết một cuộc đời đầy đau đớn nhưng cũng có thể là một kho vàng cho tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Ngài chảy từ người này qua người khác, từ vật này qua vật nọ: ngài khiến kẻ vui, buồn và kẻ buồn, vui; ngài khiến kẻ giàu, nghèo và kẻ nghèo, giàu. Lui ra xa và nhìn rộng lên, ta sẽ thấy sự vận động của ngài như một tiết mục nhảy múa công phu. Như khi nhìn trái đất từ ngoài không gian, thấy băng phủ rồi băng lại tan, suốt 12 tháng là một nhịp thở của “mẹ”.

Đạo đức của Thượng Đế nằm ở việc không nhặng xị lên bất kể vạn vật như thế nào: ngài chỉ đơn giản, là lướt sóng trên chúng. Bản chất đó nằm trong muôn vật. Nhưng muôn vật lại cứ luôn nhặng xị thì làm sao mà gặp được ngài?