Dạo này mình không còn đọc sách nhiều nữa. À, ý mình là nhiều với bản thân thôi chứ so với các bạn khác cũng không ăn thua gì.
Có một hôm mình chợt nhận ra: A đù! Mình đã quên hầu hết nội dung những quyển sách đã đọc, từ văn học cho tới triết học, lịch sử, làm giàu, self-help.
Phải, mình có thể chống chế là có một số thứ được hấp thụ âm thầm vào tiềm thức chứ không phải quên sạch sành sanh. Nhưng thử hỏi nếu nội dung chính của quyển sách mình cũng không nhớ ra thì trong tiềm thức của mình còn lại bao nhiêu?!
(Lưu ý: bài viết này có thể không đúng với tất cả loại sách hay tất cả mọi người).
QUÊN
Cơ chế của não bộ thật ra rất đơn giản.
Cái gì không thiết thực và gần gũi với đời sống của bạn thì não bộ, không sớm thì muộn sẽ quên những điều đó (trừ khi bạn dụng công ôn đi ôn lại nhiều lần).

Có rất nhiều thủ pháp để giúp nhớ lâu, nhưng về cơ bản thì đào thải lại là cơ chế nền tảng nhất. Bạn có thể nhớ 1 thứ nào đó trong vòng 6 tháng hay 1 năm, rồi cuối cùng cũng quên.
Đến hiện tại, nếu đã quá lâu bạn không dùng đến thì những thông tin được hấp thu sẽ tự đào thải, dành chỗ cho những nội dung khác.
Những nội dung quá lâu, quá mờ nhạt sẽ khiến não bộ gặp khó khăn trong việc truy vấn, dẫn đến nhớ mại lai, không thể dùng được.
TÍNH KẾT NỐI CỦA THÔNG TIN
Nếu bạn có tìm hiểu về cách để làm cho bộ não nhớ lâu hơn, thì 1 trong những điều kiện quan trọng là tính kết nối của 1 thông tin với các thông tin khác.
Bạn có thể tưởng tượng nó giống như sợi xích. Hoặc như 1 tập thể. Tính đoàn kết sẽ khiến trí nhớ vững bền.

Nếu một thông tin mới không được dùng, cũng không dính dáng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống của bạn (những gì diễn ra xung quanh, những gì bạn yêu thích, những gì bạn hay suy tư, những gì bạn cần giải quyết…) thì nó khó có khả năng kết nối với những thông tin khác.
Nói ngắn gọn: Một thông tin xem chơi cho biết, lãng quẻ với đời sống của bạn sẽ trôi tuột không sớm thì muộn.
Điều này rõ ràng nhất trong các môn học ở trường. Môn Tiếng Anh, Lịch sử và Toán – Từ vựng, sự kiện, công thức. Nếu không phải là môn yêu thích, đa số học sinh sẽ quên chúng theo thời gian.
TA KHÔNG CẦN NHIỀU THÔNG TIN NHƯ TA NGHĨ
Thành kiến thông tin (information bias) khiến cho chúng ta luôn có xu hướng nghĩ rằng mình cần biết nhiều hơn để hoàn thiện và ra quyết định chính xác hơn.
Thực tế thì không phải vậy. Việc đọc 10 quyển sách về bất kỳ chủ đề nào chưa hẳn là hiệu quả hơn đọc 1 cuốn (đỉnh nhất) và thuộc nằm lòng nó. Vì có một sự thật là không phải quyển sách nào cũng hay.
Từ lúc biết tới sự thật này, mình chú trọng hơn vào việc lọc lựa những quyển sách tốt nhất. Sách tốt thường có tính chất là bạn đọc nhiều lần sẽ hiểu được nhiều tầng nghĩa và nhiều hàm ý hơn lần đầu, nó luôn mới!
Việc đọc lại nhiều lần quyển sách đó có lợi hơn là lan man vô tận trong hàng trăm tựa sách khác.
Jack Ma cũng từng nói rằng, đi đâu ổng cũng mang theo quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Nếu bạn từng đọc quyển này thì không thể không thừa nhận rằng, mỗi lần đọc bạn đều cảm thấy hiểu thêm điều gì đó.
Điều đặc biệt, đọc 1 lần sẽ giúp bạn hiểu, nhưng đọc nhiều lần sẽ giúp bạn chuyển hoá những ý tưởng hay thấm vào trong tim, biến thành 1 phần con người bạn. Hiểu và tiêu hoá thông tin là 2 đẳng cấp khác nhau.
KHẢ NĂNG QUAN SÁT cần hơn đọc sách
Khi cố gắng đi nhiều hơn, trải nghiệm và tiếp xúc với nhiều người hơn thì mình mới phát hiện ra 1 điểm yếu chí tử của bản thân: Khả năng quan sát.
Vì thuộc tuýp người sử dụng trực giác hướng nội nên mình cực kỳ kém quan sát về thế giới xung quanh. Khi gặp gỡ nhiều bạn bè khác, mình ngỡ ngàng cảm thấy họ chú ý vào cuộc sống rất nhiều, cuộc sống của họ chân thật hơn, sống động hơn của mình xa.
Một con bướm, một cành cây, một nhành hoa đối với mình chỉ có đẹp hoặc xấu. Nhưng đối với nhiều người thì họ nhìn tới từng bộ phận nhỏ của con bướm, từng cái chấm màu trên cành cây, từng lông tơ của bông hoa… có khi họ còn nói cho mình biết tại sao chúng có màu đó, tại sao thế này, tại sao thế nọ.
Đó chỉ là những ví dụ rất đơn giản mà mình nêu lên ở đây. Mình nhận ra một bài học cực kỳ đắt giá:

Kỹ năng quan sát chính là nguồn cội của kiến thức, mà kinh khủng khiếp hơn là những kiến thức đó rất gần gũi, thiết thực và tươi mới.
THỰC HÀNH QUAN TRỌNG HƠN
Mình biết nhiều người thuộc kinh kệ nằm lòng, nhưng họ vẫn thường hay giận dữ, vẫn sân si với đời.
Cũng có nhiều người không cần phải mang 1 bụng kinh thư cũng vẫn sống tử tế. Lục Tổ Huệ Năng là 1 người kiểu như vậy.
Thực hành quan trọng hơn. Và thực hành đi thực hành lại những nguyên lý rất căn bản còn quan trọng hơn nữa.
10.000 phương pháp tu thân chắc chắn sẽ khiến bạn lùng bùng nhiều hơn là giữ 3 giới của Thiền sinh: Giới – Định – Tuệ.
Bao giờ cũng thế, thực hành sẽ giúp bạn nhận ra sự sâu sắc của lý thuyết. Bằng việc liên tục hấp thu quá nhiều thông tin gây nhiễu, liên tục tìm kiếm bí quyết chỉ khiến chúng ta trở thành 1 cỗ máy, 1 ổ cứng lưu trữ dữ liệu.

TỐI GIẢN, TỐI GIẢN, TỐI GIẢN
Như quyển sách tối giản mình khuyên đọc: Sống Đời Giản Dị (Charles Wagner), mình nhận ra mọi thứ đạt hiệu quả trên đời này đều nằm ở sự tối giản.
Tối giản trong việc dùng sức để làm việc được bền hơn.
Tối giản trong lối sống khiến bạn đỡ áp lực hơn và thanh thản hơn.
Tối giản trong việc đọc sách giúp bạn biết ít hơn nhưng có nhiều thời gian thực hành sâu hơn.
Bây giờ, mình chấp nhận 1 quyển sách lặp đi lặp lại 1 ý tưởng quan trọng hơn là liệt kê 100 phương pháp trên trời dưới biển, mà cái nào cũng mờ nhạt.
Nghệ thuật là không phải làm sao có được nhiều hơn, mà là tối ưu hiệu quả với ít hơn. Nếu bạn có thể đạt cùng 1 đơn vị hiệu quả với ít công sức, tài nguyên hơn thì rõ ràng là bạn đang quản trị đúng hướng.
DÒNG KẾT,
Cần một chút thời gian để nhận ra điều này, nhưng thiệt sự thú vị khi bạn có thể đạt hiệu quả với sự ít hơn.
Rồi một ngày bạn sẽ thấy, tối giản là sự tinh tế cao nhất ẩn bên dưới mọi vẻ đẹp cũng như tính hiệu quả.
Steve Jobs là người theo chủ nghĩa như vậy. Ông nói:
Simple can be harder than complex
(Đơn giản có thể còn khó hơn phức tạp)
Không phải trong tất cả trường hợp, nhưng trong hầu hết lần, mình sẽ chọn đọc ít sách hơn.
- Lục Phong (copy xin đừng xóa dòng này)
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023