Người hỏi – Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay và cuộc khủng hoảng trên thế giới? Có điều gì một cá nhân có thể làm để ngăn chặn cuộc chiến sắp xảy ra không?
Krishnamurti: Chiến tranh là điều khủng khiếp và là hình chiếu đẫm máu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, phải không?
Chiến tranh chỉ đơn thuần là một biểu hiện bên ngoài của trạng thái bên trong của chúng ta, là sự mở rộng hành động hàng ngày của chúng ta. Hoành tráng hơn, máu lửa hơn, phá phách hơn, nhưng đó là thành quả của tập hợp các hoạt động cá nhân của chúng ta. Do đó, bạn và tôi phải chịu trách nhiệm về chiến tranh và chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn nó? Rõ ràng là cuộc chiến sắp xảy ra không thể dừng lại bởi bạn và tôi, bởi vì nó đã diễn ra; nó đã và đang diễn ra, mặc dù hiện tại chủ yếu ở cấp độ tâm lý. Vì nó đã và đang vận động, nó không thể bị dừng lại – các vấn đề quá nhiều, quá lớn và đã quyết liệt. Nhưng bạn và tôi, khi nhìn thấy ngôi nhà bị cháy, có thể hiểu được nguyên nhân của đám cháy đó, có thể rời khỏi nó và xây dựng ở một nơi mới bằng các vật liệu khác nhau không dễ cháy, điều đó sẽ không tạo ra các cuộc chiến tranh khác. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể làm. Bạn và tôi có thể thấy điều gì tạo ra chiến tranh, và nếu chúng ta quan tâm đến việc ngăn chặn chiến tranh, thì chúng ta có thể bắt đầu chuyển đổi chính mình, những người là nguyên nhân của chiến tranh.
Một phụ nữ Mỹ đến gặp tôi vài năm trước, trong chiến tranh. Cô ấy nói rằng cô ấy đã mất con trai của mình ở Ý và cô ấy có một đứa con trai khác ở tuổi 16 mà cô ấy muốn cứu; vì vậy chúng tôi đã nói cho rõ mọi chuyện. Tôi đề nghị với cô ấy rằng để cứu con trai cô ấy, cô ấy phải thôi là một người Mỹ; cô ấy phải ngừng tham lam, ngừng chất đống của cải, tìm kiếm quyền lực, sự thống trị và phải giản dị về mặt đạo đức – không chỉ đơn giản trong quần áo, những thứ bên ngoài, mà đơn giản cả trong suy nghĩ và cảm xúc của cô ấy, trong các mối quan hệ của cô ấy. Cô ấy nói, “Điều đó là quá nhiều. Ông đang yêu cầu quá nhiều. Tôi không thể làm điều đó, bởi vì điều đó quá kịch liệt để tôi có thể thay đổi ”. Do đó, bà phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy con trai mình.
Hoàn cảnh có thể được kiểm soát bởi chúng ta, bởi vì chúng ta đã tạo ra hoàn cảnh. Xã hội là sản phẩm của các quan hệ, xã hội luôn thay đổi; chỉ dựa vào luật pháp, vào sự cưỡng chế, để cải tạo xã hội bên ngoài, trong khi bên trong vẫn duy trì sự mục nát, trong khi bên trong vẫn tìm kiếm quyền lực, vị trí, quyền thống trị, hòng để tiêu diệt bên ngoài, dù có được xây dựng cẩn thận và khoa học. Cái bên trong luôn vượt hơn cái bên ngoài.
Nguyên nhân gây ra chiến tranh – tôn giáo, chính trị hay kinh tế? Rõ ràng là đức tin – vào chủ nghĩa dân tộc, vào một hệ tư tưởng, hoặc vào một giáo điều cụ thể. Nếu giữa chúng ta không có đức tin (cố hữu) mà chỉ có thiện chí, tình yêu và sự kính trọng, thì sẽ không có chiến tranh. Nhưng chúng ta bị nuôi dưỡng bởi những đức tin, ý tưởng và giáo điều và do đó chúng ta sinh ra sự bất mãn. Cuộc khủng hoảng hiện nay có tính chất đặc biệt và như là con người, chúng ta hoặc phải theo đuổi con đường xung đột triền miên và chiến tranh liên tục, là kết quả của hành động hàng ngày của chúng ta, hoặc nếu không thì nhìn ra nguyên nhân của chiến tranh và quay lưng lại với chúng.
Rõ ràng những gì gây ra chiến tranh là ham muốn quyền lực, địa vị, uy tín, tiền bạc; cũng như căn bệnh chủ nghĩa dân tộc, sự sùng bái những lá cờ; và căn bệnh của tổ chức tôn giáo, tôn thờ một giáo điều. Tất cả những điều này là nguyên nhân của chiến tranh; Nếu bạn là một cá nhân thuộc về bất kỳ tôn giáo có tổ chức nào, nếu bạn tham lam quyền lực, nếu bạn ghen tị, bạn nhất định tạo ra một xã hội dẫn đến hủy diệt. Vì vậy, một lần nữa nó phụ thuộc vào bạn chứ không phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo – không phụ thuộc vào những người được gọi là chính khách và tất cả những người còn lại. Nó phụ thuộc vào bạn và tôi nhưng chúng ta dường như không nhận ra điều đó. Nếu một khi chúng ta thực sự cảm thấy có trách nhiệm với những hành động của chính mình, thì chúng ta có thể kết thúc tất cả những cuộc chiến này, sự khốn khổ kinh khủng này nhanh đến mức nào! Nhưng bạn thấy đấy, chúng ta đang thờ ơ. Chúng ta ăn 3 bữa mỗi ngày, chúng ta có công việc của mình, chúng ta có tài khoản ngân hàng, dù lớn hay nhỏ, và chúng ta nói, “Vì Chúa, đừng làm phiền chúng tôi, hãy để chúng tôi yên”. Càng lên cao, chúng ta càng muốn an toàn, ổn định, yên ổn, càng muốn được ở một mình, duy trì mọi thứ cố định như chúng vốn có; nhưng chúng không thể được duy trì như hiện tại, bởi vì chẳng có gì để duy trì cả. Mọi thứ đang tan rã. Chúng ta không muốn đối mặt với những điều này, chúng ta không muốn đối mặt với sự thật rằng bạn và tôi phải chịu trách nhiệm cho các cuộc chiến tranh. Bạn và tôi có thể nói về hòa bình, có hội nghị, ngồi bàn tròn và thảo luận, nhưng về nội tâm, về mặt tâm lý, chúng ta muốn quyền lực, địa vị, chúng ta bị ràng buộc bởi đức tin, bởi những giáo điều, mà chúng ta sẵn sàng chết và tiêu diệt lẫn nhau. Bạn có nghĩ những người như vậy, bạn và tôi, có thể có hòa bình trên thế giới không? Muốn có hòa bình, chúng ta phải hòa bình; chung sống hòa bình nghĩa là không tạo ra đối kháng. Hòa bình không phải là một lý tưởng. Đối với tôi, một lý tưởng chỉ đơn thuần là sự trốn tránh, trốn tránh những gì đang có, một mâu thuẫn với những gì đang có. Một lý tưởng ngăn cản hành động trực tiếp, những gì – mà chúng ta sẽ bàn tới sau, trong một bài nói chuyện khác. Nhưng để có hòa bình, chúng ta sẽ phải yêu, chúng ta sẽ phải bắt đầu, không phải để sống một cuộc sống lý tưởng, mà là nhìn mọi thứ như hiện tại và hành động theo chúng, biến đổi chúng. Nếu mỗi người chúng ta cứ tìm kiếm sự an toàn về tâm lý, thì sự an toàn về tâm lý mà chúng ta cần – thức ăn, quần áo và nơi ở – sẽ bị phá hủy. Chúng ta đang tìm kiếm sự an toàn tâm lý, điều không tồn tại; và chúng ta tìm kiếm nó, nếu chúng ta có thể, thông qua quyền lực, thông qua vị trí, thông qua chức danh, tên tuổi – tất cả đều đang phá hủy sự đảm bảo về vật chất. Đây là một sự thật hiển nhiên, nếu bạn nhìn vào nó.
Để đem lại hòa bình trên thế giới, chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, cần phải có một cuộc cách mạng trong từng cá nhân, trong bạn và tôi. Cuộc cách mạng kinh tế mà không có cuộc cách mạng bên trong này là vô nghĩa, vì ham muốn là kết quả của sự sai lệch của các điều kiện kinh tế được tạo ra bởi các trạng thái tâm lý của chúng ta – tham lam, đố kỵ, ác ý và chiếm hữu. Để chấm dứt nỗi buồn, nạn đói, chiến tranh, cần phải có một cuộc cách mạng tâm lý và ít người trong chúng ta sẵn sàng đối mặt với điều đó. Chúng ta sẽ thảo luận về hòa bình, hoạch định luật pháp, tạo ra các liên đoàn mới, Liên hợp quốc, v.v.; nhưng chúng ta sẽ không giành được hòa bình vì chúng ta sẽ không từ bỏ địa vị, quyền hành, tiền bạc, tài sản, cuộc sống ngu ngốc của mình. Dựa vào người khác là hoàn toàn vô ích; người khác không thể mang lại bình yên cho chúng ta. Không có nhà lãnh đạo nào sẽ cho chúng ta hòa bình, không có chính phủ, không có quân đội, không có đất nước. Điều sẽ mang lại hòa bình là sự chuyển hóa bên trong sẽ dẫn đến các hành động hướng ra ngoài. Chuyển hóa bên trong không phải là cô lập, không phải là rút lui khỏi các hoạt động bên ngoài. Ngược lại, chỉ có thể có hành động đúng khi có tư duy đúng và không có tư duy đúng khi không có sự thấu hiểu về bản thân. Không hiểu chính mình thì không có bình an.
Để chấm dứt chiến tranh bên ngoài, bạn phải bắt đầu chấm dứt chiến tranh trong chính mình. Một số bạn sẽ gật đầu và nói, “Tôi đồng ý”, và đi ra ngoài và vẫn tiếp tục làm giống như cách bạn đã làm trong mười hoặc hai mươi năm qua. Sự đồng ý của bạn chỉ đơn thuần bằng lời nói thì chẳng có ý nghĩa gì, vì sự đau khổ và chiến tranh trên thế giới sẽ không thể dừng lại bởi sự đồng ý bình thường của bạn. Chúng sẽ chỉ dừng lại khi bạn nhận ra mối nguy hiểm, khi bạn nhận ra trách nhiệm của mình, khi bạn không giao nó cho người khác. Nếu bạn nhận ra nỗi khổ, nếu bạn thấy cần phải khẩn trương hành động ngay lập tức và không trì hoãn, thì bạn sẽ chuyển hóa chính mình; hòa bình sẽ chỉ đến khi bản thân bạn bình yên, khi bản thân bạn bình yên với người thân bên cạnh.
From: 1948, second public talk, Bangalore, India; Collected Works of J. Krishnamurti, Vol V, CD-Rom code BA48T2
Người hỏi: Tại sao con người đánh nhau?
Krisnamurti: Tại sao những đứa trẻ đánh nhau? Đôi khi bạn đánh nhau với anh trai mình, hoặc những cậu khác ở đây, phải không? Tại sao? Bạn tranh giành một món đồ chơi. Có lẽ một cậu bé khác đã lấy quả bóng của bạn, hoặc cuốn sách của bạn và do đó bạn đánh nhau. Những người trưởng thành chiến đấu vì cùng một lý do như thế, chỉ có điều đồ chơi của họ là địa vị, sự giàu có và quyền lực. Nếu bạn muốn quyền lực và tôi cũng muốn quyền lực, chúng ta chiến đấu, và đó là lý do tại sao các quốc gia xảy ra chiến tranh. Nó đơn giản như vậy, chỉ có các triết gia, chính trị gia, và những người được gọi là tôn giáo phức tạp hóa nó. Bạn biết đấy, đó là một nghệ thuật tuyệt vời khi có một lượng kiến thức và trải nghiệm dồi dào – để biết được sự phong phú của cuộc sống, vẻ đẹp của sự tồn tại, những khó khăn, đau khổ, những tiếng cười, những giọt nước mắt- nhưng hãy giữ cho tâm trí của bạn thật giản dị; và bạn chỉ có thể có một tâm trí đơn giản khi bạn biết cách yêu thương.
From: “Think on These Things”(1964, 1970 reprint), p. 32
- Lục Phong dịch từ Katinkahesselink.net
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023
- Làm Gì Để Hết thất tình? - 23/02/2023
- Bí Quyết làm việc Như Điên mà Không Mệt - 18/02/2023