Từ lâu lắm rồi, mình không còn hứng thú đọc báo nữa. Bởi cũng giống như facebook, báo chí cũng khiến mình có cảm giác kém vui mỗi khi cập nhật tin tức. Một trong những chương trình mình ngán ngẫm nhất là 60 giây của HTV7, ok, 60 giây thôi nhưng họ sẽ cố gắng nhét vào đầu người xem một cảnh tang tóc của vụ tai nạn giao thông, một ca nhảy cầu nóng hổi, một vụ bạo lực đẫm máu… Bất kể đó là thứ gì, miễn là nó đủ tiêu cực để gây sự chú ý của hầu hết mọi người.
Mặt tối của báo chí hiện nay (Độc hại)
Công thức làm báo của phần đông báo chí hiện tại rất đơn giản: ĐÓ LÀ SỰ TIÊU CỰC.
Không có ai thích share một bài báo, hay bình luận về chuyện một cậu bé còi cọc thức đêm thức hôm học ráng để tốt nghiệp cấp 3 chỉ vì ban ngày cậu lao động nhiều quá. Thay vào đó, nếu chỉ cần 1 thanh niên rửng mỡ ẩu đả ngoài quán nhậu cũng có thể giật tít và viết thành một bài báo dài ngoằn đầy lý sự; chắc hẳn sau khi đọc bài báo đó, sẽ nhiều người vào bình luận, phê phán, than thở về sự xuống cấp của xã hội dữ lắm.
Không hề có sự ngẫu nhiên nào cho công thức này. Các nghiên cứu của nước Mỹ từ nhiều nguồn đã cho ra các đáp án tương tự nhau: 6.000 ý nghĩ là con số trung bình mỗi người có trong đầu mình mỗi ngày. 95% lặp lại của ngày hôm trước, và quan trọng, 80% trong số đó của hầu hết mọi người là tiêu cực. Sự thật là con người nghĩ nhiều về sự tiêu cực, phản ứng nhiều và bị thu hút nhiều hơn bởi sự tiêu cực. Họ thà phản đối mấy thứ tiêu cực còn hơn là ủng hộ mấy điều tích cực.
Và báo chí, nếu muốn làm ăn, thì không còn cách nào khác, phải đáp ứng thứ mà mọi người muốn: BAD NEWS!
Tin xấu chiếm lĩnh các tít báo, bất kể đó là báo nào. Các vụ tai nạn, tin chính trị, mấy phát ngôn thiển cận có thể gây tranh cãi, hot girl mặc đồ trong suốt như nhộng… Không thể diễn tả được đống hỗn tạp đó là gì nữa.
(Phong cũng chia sẻ tại sao mình chọn ngừng tranh luận trên báo và mạng xã hội Ở BÀI NÀY)
Thông tin không phải là kiến thức
Người chẳng đọc gì bao giờ vẫn có học thức tốt hơn là người chẳng đọc gì ngoài báo chí.
– Thomas Jefferson (Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ)
Ngày nay, nhiều người đang lẫn lộn giữa 2 hình thức khác nhau của báo chí: một loại là thông tin, loại kia là kiến thức. Thông tin đa phần là sự kiện, thay đổi liên tục. Kiến thức là những nội dung ít thay đổi theo thời gian, mang tính bền vững và giúp khai mở đầu óc. Báo chí và truyền thông ngày nay ít chú trọng kiến thức, họ chủ yếu đăng các thông tin liên tục thay đổi – các sự kiện chính trị, các vụ lùm xùm nhạt toẹt trong showbiz, các vụ đâm đụng giao thông…
99% tin tức không liên quan gì đến ta hết
Mặc dù ngừng cập nhật tin tức đôi khi khiến mình giống kẻ từ trên trời rơi xuống mấy lúc trò chuyện cùng người khác, tuy nhiên, mình lại được lợi nhiều hơn: một ngày bình yên, một tâm trí đủ năng lượng để làm việc của mình, có thời gian để cho đầu óc nghỉ ngơi, trò chuyện với người thân… thay vì bị cuốn vào các tin tức dở hơi.
Suy cho cùng, cũng không hẳn là không có ích lợi gì khi đọc báo. Nhưng đây lại là sự thật: nếu một tin tức quan trọng đến mức gây lan truyền, thì trước sau gì bạn cũng sẽ nghe người khác truyền miệng. Cho nên, cũng không cần thiết, chẳng tội tình gì để lên đọc 100 bài báo và lọc ra thứ quan trọng. Hãy để người khác đọc dùm bạn trong trường hợp này.
Rốt cuộc, một sinh mệnh vừa “đứt bóng” ở chỗ nào đó, một đợt rét xảy ra ở Mỹ, một nhỏ ca sĩ phát ngôn tào lao thì có liên quan gì đến ta?! Liệu những điều đó có giúp ta có thêm năng lượng, thêm thời gian để hoàn thành công việc của bản thân trước khi mặt trời lặn?! Liệu chúng có khiến nét mặt ta vui khi gặp người vợ hay chồng của mình, có khiến ta đủ năng lượng để chơi với con cái?! Liệu chú tâm vào những điều đó có khiến những điều ý nghĩa, tốt đẹp ngoài kia được lan truyền, được tiếp sức để lớn dần lên?!
Đó là ảo ảnh của truyền thông và báo chí ngày nay. Một ảo ảnh được gián tiếp dẫn dắt bởi đồng tiền. Tiền để nhà báo, cộng tác viên thanh toán hóa đơn. Tiền để tòa soạn duy trì, và tiếp tục đăng thêm một ngàn bad news nữa.
Những tin tức vô thưởng vô phạt, những hình mẫu idol được tô vẽ để tung lên các mặt báo, những điều chẳng liên quan trực tiếp gì đến đa số mọi người nhưng kỳ lạ lại được mọi người quan tâm và mổ xẻ. Có thể thấy cuộc sống cá nhân của mỗi người hiện đại ngày càng trở nên trống rỗng hơn so với trước thời internet. Họ không có mục tiêu riêng, cũng ít khi tận hưởng cuộc sống của riêng họ một cách lặng lẽ, thay vào đó họ bị cuốn vào những hình tượng, những sự kiện vô tận của xã hội, và thậm chí, rảnh đến mức xem xem người khác đang sống thế nào… Terence McKenna, nhà thần học xuất chúng đã miêu tả hiện tượng này, những con người hiện đại này chỉ là những Tay Chơi Của Xã Hội, chỉ là con nghiện của mấy tên Kỹ Sư Văn Hóa. Chúng ta đánh mất chính mình, thời gian và cuộc sống riêng tư để tiêu thụ mấy thứ vô nghĩa không liên quan thay vì đi trải nghiệm cuộc sống thật.
KẾT
Phong đã cai đọc báo, cuộc sống tuy có đôi chút kém sôi động nhưng bù lại đã nhẹ nhàng đi đôi phần. Nếu “hỗn độn” như thế là sôi động, thì bản thân mình thà không có còn hơn. Đó là điều mà Charles Bukowski đã nói: “chúng ta bị những điều vô nghĩa nuốt chửng“. Đọc báo theo cách đó, dù nhiều dù ít, đang khiến mọi người đang kém hạnh phúc đi. Và đó là lý do vì sao Phong ngưng đọc.
(Đừng nhầm lẫn ý Phong, thông tin và kiến thức là 2 thứ khác nhau).
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023
Đúng là 99% người ta giờ đắm chìm trong báo lá cải và “mạng PHẢN xã hội”, những việc của mình thì không quan tâm mà toàn đi quan tâm đời của những ca sĩ, idol… Có lúc mình tự hỏi có phải bởi cuộc đời người ta vốn không có gì phải lo nghĩ, cứ sáng sáng đi làm rồi tối về giải trí với báo lá cải và hài nhảm là đủ hay không, nên không còn cần chú tâm với những việc của chính mình nữa. Nếu là thế thật thì biết đâu chính họ mới là những người hạnh phúc hơn mình, theo kiểu “ignorance is bliss”, hehe.
“Nhờ người khác đọc hộ báo” là một ý tưởng hay. Mình vẫn áp dụng nó và không những mình không phải đọc báo lá cải mà đôi khi trên bàn ăn với gia đình, bạn bè, mình lại có thêm “chủ đề” để nghe từ họ và nói chuyện với họ. Ví dụ nhà mình khi ăn cơm thì mọi người hay chia sẻ các “news” và nhờ vậy có chuyện để nói, và hầu như không ai dùng đến smartphone khi ăn cơm với nhau. Đôi khi bố mẹ mình còn biết nhiều tin và biết nhanh hơn mình, haha.
Có một ý tưởng mình rất ủng hộ đó là trả tiền cho những nội dung hay, tin tức chất lượng như những tờ báo lớn trên thế giới (The New York Times, The Economist, The Athletic…) đang làm. Mình có nghe được một câu nói có đại ý là: chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta sẵn sàng chi ra rất nhiều tiền để có những bữa ăn sang chảnh nhà hàng buffe, nhưng lại không chịu bỏ ra một ít tiền để mua lấy những thứ bổ ích cho tâm hồn mình. Đúng là càng ngày mình càng không “make sense” được về thế giới này, haha.
“cứ sáng sáng đi làm rồi tối về giải trí với báo lá cải và hài nhảm là đủ hay không, nên không còn cần chú tâm với những việc của chính mình nữa. Nếu là thế thật thì biết đâu chính họ mới là những người hạnh phúc” – Biết đâu đơn giản thế mà lại vui hơn ha. Đôi khi mình tự vấn bản thân, không hiểu ignore là tốt hay không nữa :))
Thật, bố mẹ và cậu dì còn biết nhiều tin tức nóng hổi hơn mình nữa mới kinh, haha
“không chịu bỏ ra một ít tiền để mua lấy những thứ bổ ích cho tâm hồn mình”. Tâm hồn là cái gì, có ăn được không :p
Ăn được chứ, ngon lắm. Nhưng cái này phải thưởng thức từ từ, cho nhau thời gian. Mà giờ thì ai cũng bận nên có mấy ai chịu “thử”, chịu “ăn” đâu, hehe. Ăn MXH với báo là cải là đủ no rùi 😀