Những ngày vừa qua, Chatgpt làm mưa làm gió khắp các mặt báo và diễn đàn trên toàn thế giới. Với sức thông minh khủng khiếp của nó, một lần nữa, tất cả chúng ta phần nào lo ngại về tương lai loài người.
Liệu những gì trong phim viễn tưởng có xảy ra?
Liệu AI có vượt lên, thay thế con người và thống trị thế giới? hay tệ hơn, là hủy diệt?
Đó là những câu hỏi rất quen mà James Barrat đã hỏi và cũng đã tự đưa ra câu trả lời trong quyển sách của ông: AI, Phát minh cuối cùng của nhân loại.
James Barrat tin rằng AI đã, đang và sẽ thống trị thế giới nhờ vào sức học liên tục không ngừng nghỉ của nó.
James cho rằng AI thông minh hơn con người?
Ông tin rằng AI thông minh hơn những con người thông minh nhất 1000 lần, và chúng ta rõ ràng là chưa từng có kinh nghiệm làm việc với một thứ kiểu như vậy, khiến cho việc quản lý, kiểm soát và thậm chí là “đàm phán” với nó trở nên dần vượt ngoài tầm với.
Trong sách, ông vẽ ra đủ thứ viễn tưởng, đủ mọi cách mà AI sẽ “tự” thực hiện với đầy mưu đồ để làm bá chủ thế giới.
Đọc sách của ông, ta có cảm nhận như AI sở hữu một tham vọng không thua kém bất kỳ một nhà độc tài hay diệt chủng nào.
Thế nhưng AI không có cảm xúc
Mặc dù James thực sự đã trò chuyện với rất nhiều chuyên gia trong ngành về hiểm hoạ của AI, tôi cho rằng ông có khả năng chưa hiểu đúng hướng.
Có lẽ với vai trò là một nhà làm phim, ông có xu hướng nghĩ rằng AI sẽ chiếm đoạt thế giới như kịch bản của những quyển sách giả tưởng ăn khách.
Tôi có thể đồng cảm với ông, vì thời điểm ra mắt quyển sách này là cả một thập kỷ trước, khi AI còn sơ khai và khó có thể tưởng tượng được nó là gì.
Nếu bạn từng đặt những câu hỏi rất căn bản về tình yêu và xúc cảm cho AI, chúng sẽ đều khẳng định rằng chúng không có cơ thể, cũng không có giác quan để trải nghiệm thực tế.

Nói trắng ra, về mặt nhân chủng học, AI không hề có cảm xúc hoặc khả năng cảm thụ bất kỳ điều gì.
Không như con người với thất tình lục dục, AI không có động cơ để “gây án”. James có lẽ đã đi hơi xa và vội vàng khi gán một tham vọng bá chủ cho AI chỉ bởi trí thông minh của nó.
Ai cũng hiểu rằng: Một phương tiện đủ tốt không đồng nghĩa với động cơ thực hiện. Một cây kiếm dành cho dũng sĩ, hay một con dao trên tay một kẻ thủ ác, chúng có tác dụng khác nhau.
Dữ liệu, trí thông minh có thể là tuấn mã, nhưng dục tình mới chính là dây cương. Không có dục tình, sẽ không có động cơ thực sự.
Nếu giả như một khoảnh khắc nghĩ tới làm bá chủ của AI tồn tại, nó cũng sẽ không bao giờ giữ cái dã tâm đó đủ lâu để thực hiện đến cùng. Dục tình không hề tồn tại trong AI, chúng không biết vui sướng để mà kiên gan bền chí đạt được mục tiêu đó.
AI không thực sự thông minh.
Bây giờ chúng ta quay trở lại bàn thêm về trí thông minh của AI. Vậy để biết nó có thông minh hay không, chúng ta sẽ quay lại với hiểu biết sơ đẳng về nó.
AI là gì?
AI (trí thông minh nhân tạo) chính là ngôn ngữ máy học dựa trên dữ liệu lớn (BIG DATA).

Điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là AI phản ứng và trả lời dựa trên một nguồn thông tin đầu vào rất lớn đã được huấn luyện từ trước. Nó không thực sự suy nghĩ, mà tính toán các xác suất dựa trên hàng ngàn tỷ trường hợp đã được cung cấp từ trước.
Khi bạn đưa ra một yêu cầu, nó sẽ truy vấn thông tin trong bộ dữ liệu, soát qua hàng tỷ nội dung, xem đâu là dữ liệu gần giống với thứ bạn đang nói đến nhất.
Nói ngắn gọn, quá trình làm việc của AI là các phép tính “liền mạch” tuyệt vời.
AI không có ý thức
AI không có ý thức, và điều này vô cùng quan trọng.
James có khả năng sai rất cao vì không biết trọng tâm của sự tồn tại loài người nằm ở ý thức chứ không phải trí thông minh.
Ý thức giúp cho con người trực giác và đưa ra các giả định làm tiền đề cho mọi hành trình, giống như những tiên đề khoa học, AI mãi mãi không thể đưa ra các tiên đề – MỘT THỨ HOÀN TOÀN MỚI ĐẾN TỪ TRỰC GIÁC, không lệ thuộc vào logic A -> B -> C.
Ví dụ 1 tiên đề toán học quen thuộc: Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau.
Nếu đưa cho AI giải tiên đề này, nó sẽ giải hàng tỷ năm, vò đầu bứt tóc mà không ra. Vì đơn giản, cách ngắn nhất để hiểu tiên đề trên là thừa nhận nó thông qua trực giác mà chỉ con người mới có khả năng này. Còn càng muốn giải, càng dài, càng rời xa thừa nhận ban đầu.
Ý thức, hay trực giác là thứ mà đôi khi đưa con người đi ngược lại với logic thuần túy nhưng kết quả lại thành công mỹ mãn, AI sẽ không bao giờ đưa ra được một góc nhìn như vậy nếu nó chưa từng biết nội dung nào như thế.
AI chỉ là con vẹt, không thể thay thế con người
AI có thể đánh thắng các tuyển thủ cờ vây, cờ tướng, cờ vua… nhưng nó có rất ít khả năng để tạo ra được một trò chơi thú vị giống vậy.
Nó rất giỏi toán và tuân thủ luật, nó lường trước được hàng tỉ hậu quả nhưng mọi thứ đều nằm trong luật mà con người đặt sẵn cho nó.
Đây là điều quan trọng:

AI tính toán và tạo ra nội dung dựa trên những gì con người đã tạo.
Điều này nhắc ta nhớ đến nghịch lý Zeno: Dù Achilles có chạy nhanh đến đâu mà nếu chạy ngay sau lưng con rùa thì mãi mãi không thể nào vượt rùa được.
AI cũng vậy, nó có thể tính toán nhanh gấp hàng tỉ lần đầu óc con người nhưng nếu nó phải đợi dữ liệu từ con người tạo ra thì nó mãi mãi đi sau.
AI tạo ra những gì dựa trên con người đã tạo. Nhưng con người thì khác, nhờ ý thức (hoặc trực giác), con người có khả năng biết được cả những điều nằm ngoài hiểu biết lý tính và logic thuần túy. Điều đó cho phép loài người tạo ra nội dung mà không nhất thiết phải dựa trên những rào cản nào.
Điều James đúng: AI chính là phát minh cuối cùng của nhân loại.
Người viết không đồng tình với cách James gán cho AI quá nhiều quyền năng, rồi tự biến nó thành ông chủ của thế giới. Tuy nhiên, AI có thể hủy diệt nhân loại theo 1 cách hiển nhiên hơn.
Nếu nghĩ rằng AI là một công cụ siêu phàm, thì không ai có thể chối cãi.
Nếu so sánh với cuộc cách mạng công nghiệp (cơ hoá) thì cơn sóng thần AI (trí hoá) sẽ có tác động khủng khiếp hơn rất nhiều lần đến hành trình của nhân loại.
Chúng ta có thể thấy rằng kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra, tình hình của hành tinh đã trở nên tệ hơn rất nhiều, môi trường sống mỗi ngày một xấu đi.
Vì cơ bản, chữ “sản xuất” mà chúng ta tôn thờ có gì hơn đâu, là một quá trình khai thác tận cùng tài nguyên.
Cơ hoá chỉ đẩy mọi thứ nhanh hơn. Và trí hoá chắc chắn sẽ tồi tệ hoá mọi chuyện gấp ngàn lần.
Trò đu quay này sẽ khiến cho nhịp độ cuộc sống tăng nhanh. Suy thoái kinh tế sẽ diễn ra thường xuyên hơn (chu kỳ ngắn hơn), và tốc độ suy tàn của tự nhiên sẽ tăng theo gia tốc.
Kỷ nguyên AI sẽ đem đến những đỉnh cao về công nghệ cho nhân loại, khiến chúng ta sống trong một thế giới ngày càng gần giống như phép thuật. Nhưng mặt khác, nó cũng chính là cái mầm diệt vong của toàn cõi. Tiếc rằng, đó là một quá trình không thể đảo ngược.
PHẦN KẾT
AI là một trò vui… nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn, bạn biết mà, phải hem?
Thế giới lo ngại về AI nhiều quá, có để mà làm gì đâu?! Nó là điều tất yếu phải tới. Nhìn tâm linh hơn, nó là lý do mà Thượng Đế gửi đến để kết thúc một đợt sóng của loài người.
Cái gì kết thúc cũng cần một lý do. Và,
Cái gì rồi cũng sẽ kết thúc.
Điều quan trọng là mỗi ngày còn sống, có gì thú vị và đáng giá. Bớt tiêu dùng đi một chút, chậm hơn một chút, tận hưởng hơn một chút, ấy vậy mà hay, ấy vậy mà một giây cũng xứng đáng hơn ngàn đời trôi nổi, tất bật và bộn bề…
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023