Ngay cả khám phá ra điều mình hứng thú rồi, cũng chưa chắc bạn đã dám xây dựng và biến nó trở thành một niềm đam mê. Có quá nhiều nỗi sợ xung quanh bạn, tất nhiên là thế, luôn luôn là thế.
Cho nên, chuyện đam mê thực ra không phải để nói 1 lần rồi thôi, hay là tìm 1 lần là xong. Có khi…nó đeo bám bạn cả đời.
Vì thế nên nếu ngay hiện tại dù đã đọc qua tất cả những bài này của mình, bạn vẫn còn lù tù mù thì không sao cả. Hãy bình thản, đừng gồng.
Ở phần cuối này, mình sẽ gợi ý cho bạn 3 công cụ để khám phá tư chất bản thân. Hãy nghiên cứu cả 3 nếu bạn chưa từng biết đến chúng. Đây là con đò cuối cùng trong loạt bài này, hãy lưu tâm vì chúng rất giá trị… sau đó bạn hãy tiếp tục tập trung vào cuộc hành trình khám phá của riêng mình. Hãy bắt đầu sống thay vì đọc. Vì khi thời điểm chưa đến, trải nghiệm chưa đủ, bạn đọc thêm 100 bài cũng vô dụng.
Sau khi hiểu về cả 3 loại hình này, bạn đã hiểu kha khá về bản thân rồi. Hãy xem xét điểm chung của tất cả chúng để biết bạn thực sự thiên về thể loại gì: thích kỹ thuật hay nhân văn, hòa đồng hay độc lập, giao tiếp hay nghiên cứu, huyên náo hay yên tĩnh… Hãy tìm điểm chung của tất cả các kết quả này. Chúng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là xu hướng con người bạn.
1. Trắc nghiệm tính cách MBTI
Nếu bạn chưa biết thì MBTI là chữ viết tắt từ Myers-Briggs Type Indicator, là một bài trắc nghiệm tính cách có nguồn gốc từ 1 quyển sách của nhà tâm lý học nổi tiếng, Carl Jung.
Bài trắc nghiệm phân loại tính cách con người thành 16 loại cơ bản. Không phải lúc nào bạn cũng chắc chắn nằm trọn trong 1 loại nào, đôi khi người ta cũng nằm giữa 2 loại, ví dụ giữa tính chất I và E (hướng nội và hướng ngoại) – bởi cũng có nhiều người có kiểu cá tính cân bằng, họ không rụt rè mà cũng không phải luôn náo nhiệt.
Tuy nhiên về cơ bản thì bạn sẽ nắm được những ý chung miêu tả 6-70% về con người mình thông qua kết quả này.
Đây vốn là bài trắc nghiệm trả phí, nhưng theo trang web mình để ở đây bạn có thể làm nó miễn phí: Trắc nghiệm MBTI
(Link này là phần 1, nhưng thực tế bạn không cần làm phần 2 tốn thời gian vì mình đã thử, chúng cho kết quả giống nhau.)
2. Trắc nghiệm nghề nghiệp John Holland
Nếu đứng 1 mình thì bài trắc nghiệm này chưa cụ thể lắm, nhưng nếu bạn cộng hưởng nó cùng với MBTI thì khả năng thấu hiểu thêm về bản thân là rất cao. Thông qua trắc nghiệm này, bạn sẽ biết bản thân có xu hướng chọn những nghề nghiệp theo lĩnh vực nào, chọn môi trường làm việc ra sao. Bạn hãy làm theo hướng dẫn TẠI ĐÂY.
3. Thần số học Numerology
Một môn dự đoán cũng như tìm hiểu thêm về bí ẩn của các con số, nó bắt nguồn từ nhà toán học vĩ đại Pytago. Từ xa xưa thì dân gian ta đã tin vào ngày lành tháng tốt. Tuy nhiên, Numerology không nói ngày nào là tốt hay xấu mà chỉ là gợi mở cho ta những hiểu biết (về ngày sanh tháng đẻ) để bổ sung thế mạnh khắc phục nhược điểm. Bộ môn này được cô Quỳnh Hương ở Việt Nam chia sẻ qua kênh youtube rất hay, các bạn có thể xem hoặc nếu thích thì mua thêm sách của cô nữa.
3 công cụ này, nếu bạn chịu tập trung, bỏ ra 1 tuần để thẩm thấu chúng thì khả năng cao là bạn sẽ vỡ òa ra nhiều sự thật về bản thân mà bạn chưa bao giờ để ý tới. Khi bạn hiểu cái xu hướng của con người mình, bước đi trên con đường đó, thì việc tìm ra thứ bạn cảm thấy hứng thú không còn xa nữa.
THẢ LỎNG
Tất nhiên, không có ai chỉ hợp với 1 nghề, họ hoàn toàn có thể hợp với nhiều nghề khác nhau. Nên, bạn hãy lựa ra một số việc mình hứng thú nhất, sau đó xem xét các tiêu chí sau:
- khả năng mưu sinh của nó (nếu bạn không muốn kiếm tiền từ nó thì bỏ qua tiêu chí này)
- kinh nghiệm của bản thân trong ngành
- năng lực (hoặc năng khiếu) của bạn đối với nó
- mức độ yêu thích của bạn
- mức độ áp dụng thực tế (độ phổ dụng)…
Hãy xem xét chúng và tìm ra một việc đáp ứng tương đối tốt các điều kiện này.
Điều quan trọng nhất cuối cùng nằm ngoài lý lẽ, và bạn chỉ hiểu ra nó khi bạn ném mình vào từng thứ một. Để kiểm tra khả năng chịu đựng của bản thân với từng loại hoạt động. Hãy tìm ra thứ mà bạn chịu đựng được tốt nhất trong sớ danh sách kia. Vì thực ra, đam mê chỉ là từ để nói cho sang mồm, chứ nó chẳng gì hơn là chuyện bạn tìm ra thứ mà bản thân sẵn lòng chịu đựng (và chịu đựng tốt) để gắn bó. Làm gì cũng cực, làm chuyện mình mê có khi còn cực hơn, nhưng điều cứu vớt tất cả là: BẠN CHỊU ĐỰNG ĐƯỢC nó. Tất cả chỉ bởi vì bạn cảm thấy nó có ý nghĩa với chính mình.
LỜI KẾT
Mình muốn nhắc các bạn là biết đọc thì cũng phải biết buông. Biết mà không bám víu mới thật là tự do. Sau khi bạn khám phá đôi điều về bản thân thông qua 3 công cụ đó, cũng đừng nên gò ép bản thân vào khuôn khổ: tui là thế này, tui là thế kia, tui là hướng nội hay tui là hướng ngoại, tui là nhóm tính cách abc,xyz… Đừng để chúng định nghĩa bạn. Mình gọi chúng là công cụ, vì công cụ không thể lớn hơn bạn được, nó chỉ là một con đò qua sông. Nếu bạn bất chợt khám phá ra một việc mà bạn cảm thấy có ý nghĩa và muốn gắn bó, mặc dù nó chẳng ăn nhập gì với xu hướng mà 3 công cụ kia gợi mở, vậy thì bạn hãy vứt hết công cụ đi mà chọn nó.
Mỗi người sẽ ngộ ra mình yêu mến việc gì vào một lúc nào đó trong đời. Không sớm mà cũng không muộn, lúc nó đến, thì chính xác là lúc nó cần phải đến. Đối với một số người, nó đến từ thuở thiếu thời, có một số lại đến khi người ta đã trưởng thành hơn. Điều đó không quan trọng, vì cơ bản chúng ta không thể chọn nó được. Nó sẽ đến và thì thầm vào tai ta…
Tất cả bài về đam mê ở ĐÂY NÈ!
- Cách mua sách từ Thriftbooks và Amazon về Việt Nam (Giá rẻ) - 31/05/2023
- [góc nhìn] AI, phát minh cuối cùng của nhân loại? - 20/04/2023
- Nói về Tác Hại của Truyện Đam Mỹ (GẮT) - 01/03/2023